NATO chính thức kết nạp Phần Lan, Nga cảnh báo đáp trả

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phần Lan hôm nay (4/4) chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg  phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở NATO ở  Brussels, Bỉ ngày 4/4. Ảnh: AFP
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg  phát biểu tại cuộc họp báo ở trụ sở NATO ở  Brussels, Bỉ ngày 4/4. Ảnh: AFP

Theo CNN, lễ thượng cờ Phần Lan trước cửa trụ sở của NATO tại thủ đô Brussel (Bỉ) được tổ chức ngày 4/4 với sự tham dự của các quan chức cấp cao Phần Lan và liên minh quân sự NATO.

Sau buổi lễ trên, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO, đánh dấu sự thay đổi lớn trong bối cảnh an ninh ở đông bắc châu Âu nhiều biến động. Đường biên giới giữa NATO và Nga cũng tăng lên khoảng 1.300 km.

Phát biểu tại lễ kết nạp ngày 4/4, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö cho biết: “Phần Lan đã chính thức trở thành thành viên của NATO. Chúng ta đã chấm dứt kỷ nguyên không tham gia liên minh quân sự trong lịch sử và bắt đầu một kỷ nguyên mới”.

Nhà lãnh đạo Phần Lan nhấn mạnh thêm: “Mỗi quốc gia tối đa hóa an ninh của chính mình và Phần Lan cũng vậy. Đồng thời, tư cách thành viên NATO chắc chắn sẽ củng cố vị thế quốc tế của chúng ta và tạo cơ hội cho các hành động. Là một đối tác, từ lâu chúng ta đã tích cực tham gia các hoạt động của NATO. Trong tương lai, Phần Lan sẽ đóng góp vào khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO”.

Trong tuyên bố hôm 4/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định NATO sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn khi có thêm thành viên Phần Lan, đồng thời nói rằng ông “mong muốn được chào đón Thụy Điển gia nhập NATO “càng sớm càng tốt”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng chúc mừng Phần Lan trở thành thành viên chính thức của NATO trên trang Twitter.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã có mặt tại trụ sở NATO ở Brussels khi Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto ký văn kiện gia nhập của nước này.

Đối với tất cả các cuộc họp của NATO trong tương lai, Phần Lan tham gia với tư cách là đồng minh với vị trí ngồi ở giữa Estonia và Pháp.

Việc Phần Lan chấp nhận tham gia NATO đã giáng một đòn mạnh vào mục tiêu của Nga trong việc làm suy yếu liên minh quân sự này trước khi xung đột Ukraine nổ ra.

Đây là lần đầu tiên NATO mở rộng kể từ khi khối quân sự này kết nạp Bắc Macedonia vào năm 2020. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia cuối cùng trong số 30 thành viên của NATO chấp thuận đơn xin gia nhập NATO của Helsinki, được nộp vào tháng 5/2022.

Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ phải thực hiện các biện pháp đáp trả đối với việc Phần Lan gia nhập NATO, theo hãng tin Tass.

“Điện Kremlin tin rằng đây là một sự leo thang khác và sự mở rộng của NATO đang đặt ra mối đe dọa đối với an ninh của chúng tôi và lợi ích của Liên bang Nga. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh cả về mặt chiến thuật và chiến lược” - ông Peskov nói, đồng thời cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu thấy phù hợp.

Điện Kremlin ngày 4/4 cảnh báo đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO. Ảnh: Tass
Điện Kremlin ngày 4/4 cảnh báo đáp trả việc Phần Lan gia nhập NATO. Ảnh: Tass

Quan chức Điện Kremlin nói thêm rằng quân đội Nga sẽ thông báo về mọi thứ trong thời gian thích hợp. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Phần Lan và xem khối NATO sẽ sử dụng lãnh thổ Phần Lan như thế nào để triển khai vũ khí, các hệ thống và cơ sở hạ tầng gần biên giới của chúng tôi, điều có khả năng gây ra mối đe dọa đối với Nga” – người phát ngôn Peskov nhấn mạnh.

Người phát ngôn điện Kremlin khẳng định, “tình hình xung quanh Phần Lan về cơ bản khác với tình hình ở Ukraine. Phần Lan chưa bao giờ chống Nga và chúng tôi không có tranh chấp với Phần Lan. Mọi thứ hoàn toàn ngược lại với Ukraine, và tình hình ở đây có khả năng nguy hiểm hơn. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt với mục đích đạt được tất cả các mục tiêu mà chúng tôi đã đề ra”, ông tuyên bố.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giữa Helsinki và Moscow. Moscow cho rằng, việc gia nhập NATO là “bước đi vội vàng” của chính quyền Phần Lan mà không quan tâm đúng mức đến dư luận.

“Việc Phần Lan gia nhập NATO không thể không có tác động tiêu cực đến quan hệ song phương Nga-Phần Lan”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cùng ngày cảnh báo Phần Lan vào NATO và liên minh có động thái tăng cường sẵn sàng chiến đấu khiến nguy cơ xảy ra xung đột gia tăng. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến kết quả của chiến dịch ở Ukraine.

Nga và Phần Lan có biên giới chung dài khoảng 1.300 km. Moscow trước đó tuyên bố sẽ tăng cường lực lượng đóng quân tại khu vực phía Tây và Tây Bắc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần