Bốn quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm: Phần Lan, Đức, Litva và Thụy Điển, đã tiến hành điều tra các sự cố đối với tuyến cáp ngầm dưới Biển Baltic vừa xảy ra trong ngày 17 và 18/11. Cảnh sát Berlin và Thụy Điển nói rằng nhiều khả năng đây là hành động “cố tình phá hoại" cơ sở hạ tầng viễn thông của châu Âu.
Ngày 19/11, Chuẩn đô đốc Johan Norlen, Tham mưu trưởng Hải quân Thụy Điển cho biết, nước này đang điều tra nguyên nhân khiến cả hai tuyến cáp quan trọng ở Biển Baltic lại gặp sự cố cùng lúc.
Trước đó, Cơ quan công tố Thụy Điển đã tiến hành một cuộc điều tra sơ bộ về vụ đứt cáp vì nghi ngờ có hành vi phá hoại.
Trong khi đó, Đức và Phần Lan cũng tiến hành điều tra sự cố đối với một tuyến cáp ngầm dưới Biển Baltic nối hai quốc gia này, đồng thời cảnh báo về mối đe dọa của cuộc "chiến tranh hỗn hợp" (kết hợp biện pháp quân sự và phi quân sự).
Theo thông báo của Công ty viễn thông Telia của Litva, tuyến cáp ngầm chạy giữa nước này và Thụy Điển ở Biển Baltic bị đứt vào khoảng 10 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 17/11.
Trong khi đó, tuyến cáp chạy giữa Đức và Phần Lan bị đứt vào khoảng 4 giờ sáng ngày 18/11. Tuyến cáp này chạy gần tuyến đường ống khí đốt Nord Stream nối Nga và Đức, vốn bị hư hại trong các vụ nổ hồi tháng 9/2022.
Sự cố được phát hiện ở tuyến cáp viễn thông C-Lion1 dài 1.173 km, nối thủ đô Helsinki của Phần Lan đến thành phố cảng Rostock của Đức, khiến tất cả các dịch vụ được cung cấp bởi tuyến cáp ngừng hoạt động.
'Không phải ngẫu nhiên'
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin nói với hãng tin AFP rằng các cơ quan chức năng cần phải làm rõ lý do tại sao hai tuyến cáp quan trọng ở Biển Baltic gặp sự cố trong 2 ngày liên tiếp”.
Bộ trưởng Bohlin cho biết, giới chức Thụy Điển đang điều tra tất cả các tàu thuyền đi lại trong khu vực vào thời điểm xảy ra sự cố.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng sự cố đứt một tuyến cáp ngầm dưới Biển Baltic nối Đức và Phần Lan mới đây cần được coi là hành vi phá hoại.
Phát biểu trước thềm cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Pistorius bác bỏ khả năng tuyến cáp này bị cắt đứt một cách tình cờ. Ông cho rằng cần coi đây là hành vi phá hoại, mặc dù hiện vẫn chưa rõ ai phải chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và người đồng cấp Phần Lan Elina Valtonen hôm 18/11 đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về vụ việc.
Tuyên bố nêu rõ: "Vụ việc như vậy ngay lập tức dấy lên nghi ngờ về thiệt hại cố ý, cho thấy rất nhiều điều về sự bất ổn của thời đại chúng ta. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng đang được tiến hành. An ninh châu Âu của chúng ta không chỉ bị đe dọa bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine mà còn từ cuộc chiến tranh hỗn hợp của những kẻ xấu".
Trong khi đó, đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT và một số phương tiện truyền thông Phần Lan đưa tin, 2 tàu hải quân Đan Mạch đã bám theo một tàu chở hàng Yi Peng 3 của Trung Quốc khi con tàu này rời khỏi Biển Baltic vào sáng sớm ngày 19/11 sau khi 2 tuyến cáp ngầm bị đứt.
Căng thẳng gia tăng tại Biển Baltic
Các sự cố gây hư hại cho cáp ngầm và đường ống khí đốt trên khắp châu Âu đã gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt tại khu vực Biển Baltic.
Vào tháng 9/2022, một loạt vụ nổ đã làm hư hỏng các đường ống Nord Stream, vốn dẫn khí đốt Nga tới châu Âu.
Đến tháng 10/2023, một đường ống dẫn khí chạy dưới Biển Baltic nối giữa Phần Lan và Estonia phải tạm dừng hoạt động sau khi bị hư hại do mỏ neo của một tàu chở hàng Trung Quốc.
Phần Lan đã tăng cường hoạt động giám sát tại Biển Baltic kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2/2022.
Tháng trước, NATO đã mở một căn cứ hải quân mới tại TP Rostock của Đức để điều phối lực lượng của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở khu vực Biển Baltic.
Sau khi sở chỉ huy hải quân mới của NATO được khai trương tại Đức, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Đức tại Moscow, ông Alexander Graf Lambsdorff, để phản đối. Moscow cho rằng động thái của Berlin vi phạm các điều khoản của hiệp ước về việc thống nhất nước Đức năm 1990, trong đó quy định không có lực lượng vũ trang nước ngoài nào được triển khai trên lãnh thổ Đông Đức cũ.