Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NATO: Ukraine sẽ là thành viên của khối, nhưng trước hết phải thắng Nga

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Ukraine sẽ trở thành thành viên của khối, nhưng "không ích gì khi thảo luận về tư cách thành viên này cho đến khi cuộc xung đột với Nga được giải quyết".

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước báo giới ngày 21/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tất cả các thành viên NATO đều đồng ý rằng Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới này.

Tuyên bố của ông Stoltenberg được đưa ra ngay trước thềm cuộc họp lần thứ 11 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức. Tuy nhiên, ông Stoltenberg không đưa ra mốc thời gian khi nào Ukraine có thể chính thức trở thành thành viên của NATO, trong khi nhấn mạnh rằng trọng tâm chính hiện nay là đảm bảo nước này "phải thắng thế" trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga.

Tháng 9/2022, Ukraine tuyên bố nộp đơn để trở thành thành viên nhanh chóng của NATO sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine do Nga kiểm soát một phần.

NATO đến nay không có sự hiện diện chính thức ở Ukraine và chỉ hỗ trợ phi sát thương cho Kiev. Hôm 20/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết các đồng minh cam kết hỗ trợ Ukraine "cho đến chừng nào còn có thể".

Ông Jens Stoltenberg đưa ra nhận xét trên một ngày sau khi đến Kiev, chuyến thăm Ukraine đầu tiên của ông kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Ukraine được tin sẽ sớm tiến hành một cuộc phản công nhằm chiếm lại lãnh thổ do lực lượng Nga đang kiểm soát.

Tại Kiev, ông Stoltenberg cũng đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Vị Tổng thống đã kêu gọi ông Stoltenberg - người có công trong việc thu hút sự ủng hộ từ các thành viên NATO - thúc đẩy viện trợ, bao gồm cả máy bay chiến đấu, pháo binh và thiết bị bọc thép.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 20/4 nói rằng ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO vẫn là một trong những mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Peskov cho rằng việc Ukraine gia nhập liên minh này sẽ tạo ra "mối đe dọa nghiêm trọng, đáng kể" đối với an ninh nước ông.

Đầu tháng này, một quốc gia láng giềng của Nga là Phần Lan đã gia nhập liên minh NATO, đi ngược lại nhiều thập kỷ trung lập của nước này kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Với việc kết nạp thêm Phần Lan, biên giới giữa Nga và NATO hiện đã tăng gấp đôi.

Thụy Điển, một quốc gia trung lập khác, dự kiến ​​cũng sẽ tham gia liên minh - có thể là vào thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp NATO gặp nhau tại Vilnius vào tháng 7 tới.