Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên bỏ quy định miễn thi ngoại ngữ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khẳng định việc Bộ GD&ĐT miễn thi môn ngoại ngữ cho thí sinh có chứng chỉ để xét tốt nghiệp THPT là tư duy bằng cấp, nhiều chuyên gia giáo dục đề nghị, sang năm nên bỏ quy định này để không tạo tiêu cực cho xã hội.

Miễn thi là không cần thiết

Không phủ nhận Bộ GD&ĐT đưa ra quy định miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có chứng chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ làm giảm bớt áp lực thi cử, khuyến khích học sinh tự học ngoại ngữ bên ngoài nhà trường, nhất là khi ngành đang tích cực thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương đề nghị, sang năm, Bộ nên bỏ chính sách này bởi: “Chúng ta lường trước được tình trạng “chạy” chứng chỉ để không phải thi. Hiện nay, người ta còn làm được bằng giả rất tinh vi, việc mua chứng chỉ có khó khăn gì! Miễn thi ngoại ngữ là rất phiền, là không cần thiết. Những em đã có chứng chỉ ngoại ngữ, thi tốt nghiệp môn này kiểu gì cũng đỗ, Bộ cần gì phải miễn thi!”.

 
Giờ ôn tập của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Giờ ôn tập của học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, phải “giải mã” tại sao học sinh có 8 - 9 năm học ngoại ngữ trong trường phổ thông, nhưng tốt nghiệp THPT rồi lại không giao tiếp được? Không gì khác là bởi đi học chỉ cốt ở điểm. “Muốn có chất lượng trong việc dạy ngoại ngữ, phải có sự chuyển biến từ người thầy, cho đến phương pháp và nội dung giảng dạy” - PGS Dương Văn Sao - nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn bày tỏ.

Đi sâu phân tích thực tế sẽ thấy không có nhiều thí sinh được hưởng lợi từ việc miễn thi ngoại ngữ. Trung bình, mỗi năm cả nước có trên 50 vạn học sinh lớp 12, trong đó chỉ khoảng 20% có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT, thường ở vùng sâu, vùng xa. Tất nhiên, những em này không có điều kiện học ngoại ngữ ở bên ngoài để thi lấy chứng chỉ. Như vậy, chắc chắn số em có chứng chỉ đều là những thí sinh có nguyện vọng vào ĐH, CĐ. Mà với những đối tượng này thì chứng chỉ “có cũng như không” vì Bộ không cho phép dùng chứng chỉ để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Chỉ để… động viên

Cũng có những ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT có duy trì thực hiện chính sách này hay không không quan trọng. Miễn thi ngoại ngữ cho thí sinh có chứng chỉ để xét tốt nghiệp chỉ mang tính khuyến khích, tạo cơ hội nho nhỏ cho các em.

Tuy nhiên, PGS Trần Xuân Nhĩ đề nghị, Bộ nên kiểm định những trung tâm đào tạo ngoại ngữ hoạt động đáp ứng tiêu chí của Bộ đưa ra, có uy tín và chất lượng. Bộ cũng nên quy định mức độ điểm cộng cho các chứng chỉ, thí sinh có chứng chỉ ở mức độ giỏi thì được cộng điểm tối đa, mức độ khá được cộng điểm ít hơn... Khi Bộ áp thang điểm cao nhất cho tất cả những em có chứng chỉ là không đảm bảo tính công bằng đối với thí sinh tham gia thi tốt nghiệp. Còn PGS Lê Hữu Lập - người phát ngôn của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, thí sinh có chứng chỉ được Bộ cộng điểm tối đa là không tương xứng, bởi các em đã đạt đến bậc 3 (thang 6 bậc dùng chung châu Âu), trong khi quy định của Bộ đến năm 2020 thì sinh viên tốt nghiệp ĐH mới đạt đến mức này. Riêng TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT trường ĐH FPT đề nghị, khi Bộ miễn thi ngoại ngữ, không nên quy ra điểm. Những em nào có chứng chỉ, điểm tốt nghiệp chỉ nên tính 3 môn thay vì 4 môn. Những thí sinh có chứng chỉ nhưng vẫn muốn thi để đạt điểm cao thì Bộ khuyến khích. Còn cộng điểm tối đa để tính điểm trung bình tốt nghiệp là không hợp lý.

Không thể phủ nhận có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi là một hình thức khuyến khích học sinh tự học thêm ngoại ngữ, từ đó các em có cơ hội hoàn thiện trình độ ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế. Vì vậy, giai đoạn đầu, Bộ GD&ĐT nên áp dụng quy định miễn thi, nhưng cần xem xét việc áp tính điểm tối đa để đảm bảo công bằng cho những thí sinh khác giỏi ngoại ngữ nhưng không đủ điều kiện kinh tế để thi lấy chứng chỉ, cũng như đối với những em dự thi môn này để tính điểm tốt nghiệp THPT.