70 năm giải phóng Thủ đô

Nên bỏ tư tưởng giảng dạy để thi cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ X diễn ra tại Hà Nội vừa kết thúc với ngôi vị quán quân thuộc về Việt Nam, thế nhưng dư luận không khỏi băn khoăn vì nghịch lý tay nghề cao nhưng năng suất lao động của nước ta lại rất thấp (báo Kinh tế & Đô thị có bài phản ánh trên số 258).

 
Nên bỏ tư tưởng giảng dạy để thi cử - Ảnh 1
Bên hành lang Quốc hội chiều 11/11, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch về vấn đề này.

Năm nay là năm thứ 3 Việt Nam dẫn đầu khu vực về thành tích trong cuộc thi Tay nghề ASEAN nhưng năng suất lao động của nước ta lại được xếp hạng thấp nhất trong khu vực. Ông đánh giá như thế nào về nghịch lý này?

- Vấn đề này có những phương thức tiếp cận khác nhau. Ở góc độ thi cử để lấy giải, không chỉ cuộc thi tay nghề mà học sinh giỏi Toán quốc tế của Việt Nam cũng rất nhiều nhưng lĩnh vực công nghệ của chúng ta lại không giỏi. Trong khi đó, các nước không có nhiều giải Toán quốc tế nhưng nền khoa học kỹ thuật của họ lại hơn hẳn chúng ta. Rõ ràng, nếu tiếp cận ở góc độ thi cử lấy giải, thành tích của chúng ta luôn cao hơn. Ngay cả thi phổ thông, Việt Nam cũng được một tổ chức nước ngoài đánh giá, xếp ở thứ hạng cao thế giới.

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là về thi cử, nhất là lý thuyết, học sinh Việt Nam giỏi nhưng thực hành thì rất kém. Riêng về năng suất lao động thấp là do họ tính bình quân tỷ suất lao động chứ không tính thành tích thi cử. Bình quân tỷ suất lao động của Việt Nam rất thấp. Điều đó chứng tỏ giảng dạy của chúng ta còn tập trung cho thi cử, hay nói cách khác là nền giáo dục ứng thí, thi thì rất tốt nhưng làm không tốt.

Bộ GD&ĐT luôn chỉ đạo các trường, các địa phương không chạy theo bệnh thành tích, nhưng việc Bộ chú tâm mang thí sinh đi thi để giành giải quốc tế mà chưa quan tâm xứng đáng đến phần "hành" liệu có phải là bệnh thành tích không, thưa ông?

- Tôi vừa nói là có những cách tiếp cận khác nhau. Nếu cần thành tích để công bố với quốc tế thì mình cũng rất cần. Tuy nhiên, không thể dạy, thi cử để lấy thành tích mà học hay thi là để phục vụ cho cuộc sống. Ngành giáo dục đừng chạy theo chủ nghĩa thành tích.

Theo ông thì làm thế nào để việc học, thi cử của Việt Nam có thành tích cao nhưng năng suất lao động cũng phải tỷ lệ thuận với trình độ đó?

- Bây giờ câu chuyện của chúng ta là dạy học phải gắn liền với thực hành. Trước đây, giáo dục của chúng ta chỉ học là học, hành lại là chuyện khác nhưng bây giờ, học đến đâu, phải thực hành đến đấy. Thực hành trong thực tế phải chuyển tải đúng kiến thức được dạy trong nhà trường. Hiện nay, chúng ta đang quá "cao siêu" trong giảng dạy. Luật Dạy nghề sửa đổi đang được Quốc hội bàn thảo cũng có đề cập đến vấn đề này, trong đó coi giáo dục nghề nghiệp là loại hình trong hệ thống giáo dục quốc dân cần được quan tâm công bằng ngang với giáo dục đại học, giáo dục phổ thông khác...

Xin cảm ơn ông!