Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia giải đáp, tư vấn tại hội thảo Nhịp cầu nhà nông tại huyện Sóc Sơn. |
Trả lời cho câu hỏi của nhiều người dân quan tâm liên quan tới vấn đề: Vì sao không nên sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi? Theo PGS.TS Lê Văn Năm, kháng sinh được sử dụng nhiều trong chăn nuôi từ những năm 1948. Hiện, trên thế giới có trên 1.000 loại kháng sinh khác nhau. Trong quá trình chăn nuôi, người dân vẫn có xu hướng sử dụng nhiều kháng sinh.
Trên thực tế, điều này có 2 ý nghĩa: Thứ nhất là giúp kích thích tăng trọng; thứ hai là phòng, chống và điều trị bệnh. Dù vậy, việc sử dụng tràn lan, không đúng cách và chưa hợp lý khiến tồn dư chất kháng sinh trong sản phẩm vật nuôi có xu hướng tăng, gây thiệt hại ngày một nghiêm trọng tới chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Theo đánh giá của ông Năm, việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi hiện vẫn rất cần thiết, nhưng chỉ ở khía cạnh phòng trừ dịch bệnh. Trong khi đó, rất cần có chế tài nhằm hạn chế, tiến tới cấm sử dụng các chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi.
Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tiếp nhận, giải đáp hàng trăm câu hỏi, thắc mắc của người dân liên quan tới chăm sóc cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, bệnh thường gặp vào mùa mưa... Đồng thời, khuyến cáo chung đối với sản xuất nông nghiệp của bà con về việc cần thiết phải sử dụng “hợp lý”, “đúng cách”, “đúng thời điểm” và “đúng liều lượng” các loại thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm cả thuốc phòng trừ sâu bệnh hại). Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp chia sẻ tại hội thảo, việc sử dụng phân bón vô cơ, cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật hiện vẫn cần thiết. Điều quan trọng là bà con cần sử dụng đúng cách để tránh lưu lượng tồn dư trong nông sản.Được biết, hội thảo Nhịp cầu nhà nông do Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT Hà Nội) chủ trì, phối hợp triển khai định kỳ hàng tháng tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP. Qua nhiều năm tổ chức, chương trình đã cho thấy hiệu quả, ý nghĩa trong việc tạo dựng cầu nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý và người nông dân trong việc phổ biến kiến thức sản xuất, qua đó góp phần nâng cao giá trị ngành hàng nông nghiệp.