Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên có khung khen thưởng để các trường thực hiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để “gỡ rối” cho các trường tiểu học trong việc nhận xét đánh giá, khen thưởng học sinh (HS) cuối học kỳ 1, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn gửi các sở GD&ĐT từ ngày 6/1.

Để “gỡ rối” cho các trường tiểu học trong việc nhận xét đánh giá, khen thưởng học sinh (HS) cuối học kỳ 1, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn gửi các sở GD&ĐT từ ngày 6/1. Tuy nhiên, sự linh hoạt trong khen thưởng HS mà các nhà quản lý đặt vào tay nhà trường vẫn không làm trường, đặc biệt là các giáo viên (GV) chủ nhiệm hết bối rối.

Hiệu trưởng quyết định khen thưởng

Theo hướng dẫn, để đánh giá tổng kết cuối kỳ, GV chủ nhiệm họp với các GV bộ môn dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng HS. Nội dung đánh giá cụ thể những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; năng khiếu, hứng thú về từng môn học của HS... Trên cơ sở đó, GV xếp loại từng HS theo 2 mức: “Đạt” hoặc “Chưa đạt”; “Hoàn thành” hoặc “Chưa hoàn thành”. Riêng việc khen thưởng, GV chủ nhiệm hướng dẫn HS bình bầu những HS đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc trong các phong trào thi đua, rồi tham khảo ý kiến phụ huynh, sau đó tổng hợp, lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc khen thưởng...
Cần có quy chuẩn trong việc đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học.             Ảnh: Công Hùng
Cần có quy chuẩn trong việc đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học. Ảnh: Công Hùng
Ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) giải thích: Số lượng HS được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định. Việc ghi vào giấy khen về nội dung khen thưởng HS là hết sức linh hoạt do GV chủ nhiệm và hiệu trưởng quyết định. Ví dụ, có thể khen HS hoàn thành tốt nội dung học tập các môn học, chẳng hạn hoàn thành tốt nội dung học tập môn Toán, hoặc môn khoa học, môn âm nhạc, hoặc có sáng tạo, say mê học môn mỹ thuật... Khen thưởng về năng lực, phẩm chất có thể ghi nội dung: Có tiến bộ vượt bậc trong giao tiếp; có thành tích nổi bật khi tham gia các hoạt động của lớp, trường...

Giáo viên vất vả

Dù được quyền quyết định số lượng, nội dung khen thưởng HS, nhưng nhà trường phải dựa trên biên bản họp của GV chủ nhiệm với GV bộ môn, ý kiến của phụ huynh và kết quả bình bầu của HS. Tuy nhiên, khi được hỏi, đa số GV đều cho rằng, việc tham khảo ý kiến đánh giá của phụ huynh là điều rất khó thực hiện.

Đến thời điểm này, cơ bản các trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ, nhưng là theo kiểu mò mẫm, vừa làm vừa thăm dò. Cô Bùi Kim Thúy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Cầy Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trường thực hiện theo hướng dẫn, trong quá trình làm, nếu bất hợp lý sẽ điều chỉnh”. Và “trăm dâu đổ đầu… GV” - những người phải lo toàn bộ phần nhận xét, đánh giá HS với khối công việc khổng lồ. “Ở bậc tiểu học, HS phải học bình quân 9 môn, mỗi lớp khoảng 50 - 55 HS. Với GV bộ môn dạy khoảng 12 - 15 lớp, nhân số HS/lớp thì mỗi GV phải “gánh” khoảng 800 HS cho phần nhận xét. Nếu một lớp có khoảng 55 HS, GV phải ghi 55 dòng nhận xét khác nhau về từng mặt nổi trội, thế mạnh của HS. Cả tuần nay, GV chúng tôi phải “bò” ra để nhận xét, viết học bạ” - một GV bộ môn của trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, một GV chủ nhiệm lớp 4, trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, GV chủ nhiệm từng lớp sẽ bình xét HS theo các mức: HS đạt thành tích toàn diện; HS có thành tích xuất sắc về từng môn (Toán, Tiếng Việt, Mỹ thuật, Âm nhạc…); HS có khả năng tự phục vụ tốt... “Lớp có 51 HS, riêng việc viết học bạ đã mất hơn một tuần, nay thêm việc đánh giá, nhận xét tỉ mỉ từng HS, sẽ mất ít nhất 2 tuần mới có thể hoàn thành bảng danh sách nhận xét” - GV này cho biết. Ngoài ra, rất nhiều GV đồng tình, yêu cầu tham khảo ý kiến phụ huynh “làm khó” GV, bởi Bộ GD&ĐT không nói rõ sử dụng ý kiến này như thế nào, đóng góp về nội dung gì.

Xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT đã gợi ý, hướng dẫn cách đánh giá phẩm chất, năng lực, thái độ của HS và giao quyền cho hiệu trưởng, GV rất lớn. Đây là cách giáo dục mở, giáo dục được quyền quyết định. Tuy nhiên, lần đầu thực hiện, chuyển từ đánh giá này sang đánh giá kia, Bộ nên có khung nhất định để các trường làm thống nhất, tránh tình trạng mỗi trường làm một kiểu, trường này nặng, trường kia nhẹ. Ngoài ra, cần chú ý biên chế GV tiểu học ở TP lớn, nơi đông HS, GV nhận xét sẽ rất vất vả và mất thời gian.