Việc đẻ ra công ty mẹ không trực tiếp kinh doanh, chỉ đơn thuần quản lý và cung cấp dịch vụ cho các công ty con trực tiếp kinh doanh là mô hình DN “anh còng” làm cho “anh thẳng” ăn cần bãi bỏ, vì nó không cho phép tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Không thể ngụy biện hoạt động GDCK là lĩnh vực đặc thù nên việc lập SGDCK mẹ không quản lý sàn giao dịch, chỉ quản lý hai SGDCK con là phù hợp được. Dù nước ta chưa đưa ra tiêu chuẩn của một trung tâm tài chính quốc gia nhưng thực tế TP Hồ Chí Minh đã hiện diện như một trung tâm tài chính quốc gia chứ không phải là Hà Nội. Nơi đây cũng đã đặt dấu ấn lịch sử hình thành SGDCK Việt Nam (Trung tâm GDCK TP Hồ Chí Minh) vào ngày 28/7/2000. Do vậy, không còn nghi ngờ gì nữa vấn đề nên đặt SGDCK Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. |
Nên đặt sở giao dịch chứng khoán ở đâu?
Kinhtedothi - Địa điểm đặt sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) chỉ là nơi để nhà đầu tư biết đến, thông thường mang tính lịch sử. Tuy nhiên, nếu được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia thì đó là lựa chọn đúng.
Chiều 12/8, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật CK (sửa đổi). Trong đó mô hình, địa điểm SGDCK là một trong các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Vấn đề này, kết luận nội dung thảo luận của UBTVQH khẳng định chỉ có một SGDCK Việt Nam đặt tại trung tâm tài chính quốc gia, còn việc đặt cụ thể địa điểm nào do Chính phủ cân nhắc quy định.
Trong khi đó, giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin: “Hiện nay, chúng tôi đang hoàn chỉnh quyết định đặt SGDCK ở Hà Nội để thuận lợi trong quản lý, giám sát, điều hành vĩ mô cùng Ủy ban Chứng khoán, Chính phủ trong việc ứng phó các vấn đề lúc bất thường”.
Về tổ chức hoạt động, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung vào khoản 2 điều 43 một quy định theo hướng: “Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu của SGDCK Việt Nam nhưng phải đảm bảo Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của đơn vị tổ chức thực hiện giao dịch chứng khoán”.
Chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm của Ủy ban Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, không nên quy định Nhà nước sở hữu trên 50% (từ 51%) vì còn tùy tình hình và điều kiện kinh tế từng thời kỳ. Bộ trưởng cũng dẫn chiếu thông lệ quốc tế, Nhà nước không nắm cổ phần chi phối như trường hợp Nhật Bản thành lập tập đoàn chứng khoán Tokyo sở hữu Nhà nước không lớn.
Các vấn đề trên cho thấy quan điểm về mô hình, địa điểm SGDCK giữa cơ quan lập pháp và cơ quan soạn thảo dự Luật CK vẫn có điểm chưa tương đồng. Vậy câu hỏi đặt ra?
Bác bỏ phương án công ty mẹ - con
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt đề án thành lập SGDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp SGDCK TP Hồ Chí Minh và SGDCK Hà Nội, địa điểm đặt tại Hà Nội. Mô hình này không được UBTVQH lựa chọn. Tại sao?
Để nâng hạng tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các quốc gia đang có xu hướng sáp nhập nhiều SGDCK thành một SGDCK. Trong khi đó, với mô hình công ty mẹ - con như đề án sẽ có ba SGDCK ra đời, một sở mẹ và hai sở con.
Theo đề án là sắp xếp hai sở hiện tại thành SGDCK Việt Nam nhưng thực tế lại bành trướng thành ba SGDCK. Nguyên tắc thực hiện đề án nêu ra là không làm tăng số lượng lao động, nhưng đó chỉ có thể không tăng lao động đối với hai SGDCK hiện tại (con) còn đối với SGDCK mẹ chắc chắn phải làm tăng hàng trăm lao động mới.
Doanh thu hoạt động kinh doanh đối với DN mô hình công ty mẹ - con được tạo ra chủ yếu từ công ty mẹ. Chẳng hạn các ngân hàng đều hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, báo cáo tài chính hợp nhất từng ngân hàng cho thấy doanh thu chủ yếu từ hội sở (công ty mẹ). Vậy với mô hình SGDCK mẹ - con, thử hỏi SGDCK mẹ tạo doanh thu bằng cách nào trong khi sở mẹ không quản lý trực tiếp một sàn giao dịch? Nếu điều tiết doanh thu từ hai sở con cho sở mẹ thì theo quy chế tài chính nào?
Nhiệm vụ của SGDCK mẹ theo đề án gồm 7 đầu công việc thì dường như chủ yếu làm thay nhiệm vụ của hai SGDCK con, của Ủy ban CK (giám sát), thậm chí làm thay việc của tổ chức hiệp hội CK và trọng tài dân sự, như: “Làm trung gian hòa giải theo yêu cầu của thành viên giao dịch khi phát sinh tranh chấp liên quan đến hoạt động GDCK”.
Việc đẻ ra công ty mẹ không trực tiếp kinh doanh, chỉ đơn thuần quản lý và cung cấp dịch vụ cho các công ty con trực tiếp kinh doanh là mô hình doanh nghiệp “anh còng” làm cho “anh thẳng” ăn cần bãi bỏ, vì nó không cho phép tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Không thể ngụy biện hoạt động GDCK là lĩnh vực đặc thù nên việc lập SGDCK mẹ không quản lý sàn giao dịch, chỉ quản lý hai SGDCK con là phù hợp được.
Rõ ràng không lựa chọn phương án SGDCK có mô hình công ty mẹ - con của UBTVQH như nói trên là hợp lý. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng SGDCK Việt Nam đặt ở đâu do Thủ tướng cân nhắc quy định, vậy ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh?
Đặt ở đâu?
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng việc đặt SGDCK Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội để thuận lợi quản lý, giám sát, điều hành vĩ mô… (như nói phần trên). Điều này chỉ hợp lý trong điều kiện trước đây công nghệ thông tin chưa bùng nổ.
Hiện nay, Chính phủ đang quyết tâm thực hiện lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán đã và đang đi trước trong ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, quản lý. Vì vậy, SGDCK đặt ở đâu cũng không cản trở do khoảng cách địa lý.
Thực tế nhiều nước trên thế giới chứng minh, SGDCK quốc gia/lớn nhất không đặt ở Thủ đô, chẳng hạn Mỹ, Đức, Trung Quốc,… Địa điểm đặt SGDCK chỉ là nơi để nhà đầu tư biết đến, thông thường mang tính lịch sử. Nơi SGDCK đặt chân là nơi giao lưu kinh tế nhộn nhịp, do đó thị trường tài chính phát triển chuyển thành những trung tâm tài chính quốc gia, quốc tế.
Dù Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là nơi đặt SGDCK quốc gia thì ở đó đều hội đủ điều kiện chuyển thành trung tâm tài chính quốc gia, thậm chí quốc tế (khu vực). Tuy nhiên, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, vậy có nhất thiết trở thành trung tâm tài chính quốc gia?
So với Hà Nội thì TP Hồ Chí Minh có nền kinh tế phát triển mạnh và năng động hơn. Nơi đây là trung tâm giao lưu kinh tế, là tụ điểm thu hút các dòng tiền đầu tư của 20 tỉnh, thành Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh là nơi hàng năm thu hút lượng kiều hối hàng tỷ đô la. Rõ ràng, TP Hồ Chí Minh có điều kiện nền tảng tốt hơn thúc đẩy SGDCK Việt Nam phát triển.
Dù nước ta chưa đưa ra tiêu chuẩn của một trung tâm tài chính quốc gia nhưng thực tế TP Hồ Chí Minh đã hiện diện như một trung tâm tài chính quốc gia chứ không phải là Hà Nội. Nơi đây cũng đã đặt dấu ấn lịch sử hình thành SGDCK Việt Nam (Trung tâm GDCK TP Hồ Chí Minh) vào ngày 28/7/2000. Do vậy, không còn nghi ngờ gì nữa vấn đề nên đặt SGDCK Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh.
Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước?
Bộ Tài chính vẫn chưa đồng tình việc Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định SGDCK Việt Nam có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước phải trên 50% (sau khi cổ phần hóa). Vậy cần phản biện gì đây?
Cơ cấu sở hữu SGDCK có thể tác động làm méo mó các quyết định điều hành bởi hội đồng quản trị. Một điều chắc chắn rằng, nếu SGDCK có sở hữu chi phối là tư nhân thì quyết định điều hành của hội đồng quản trị trước hết bị chi phối mục tiêu lợi nhuận; nhưng sở hữu chi phối là Nhà nước thì quyết định của hội đồng quản trị trước hết chi phối bởi sự an toàn của thị trường. Điều đó cho thấy SGDCK Nhà nước chi phối sở hữu tốt hơn.
Doanh thu và lợi nhuận của SGDCK từ hoa hồng và phí cung cấp dịch vụ nên tỷ lệ thuận với quy mô giá trị giao dịch. Dĩ nhiên, thị trường hấp dẫn nhà đầu tư vào nhiều doanh thu tăng. Thị trường hấp dẫn do nền tảng hoạt động kinh doanh của công ty tốt là sự phát triển an toàn. Nhưng sự nóng của thị trường do cổ phiếu bị làm giá, do hoạt động nội gián thì hết sức nguy hiểm. Vì mục tiêu lợi nhuận nên các quyết định can thiệp từ nhà điều hành đương nhiên chậm trễ. Rõ ràng, SGDCK do Nhà nước chi phối khả năng giám sát tốt hơn.
Nguyên nhân rủi ro từ SGDCK khác với rủi ro từ các ngân hàng, tác động do rủi ro từ SGDCK có mức tàn phá nền kinh tế dữ dội hơn. Trong khi các ngân hàng cổ phần hóa, Chính phủ đang quy định sở hữu trên 65% thì quy định sở hữu SGDCK với mức trên 50% vẫn còn thấp, nên bằng mức như ngân hàng.