Kể từ khi Nga sát nhập Crimea vào năm 2014, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không mang lại hiệu quả như kì vọng trong việc mang tính răn đe với Matxcova. Tuy nhiên, các biện pháp mới nhằm vào hệ thống tài chính của Nga được Mỹ và các đồng minh công bố ngày 26/2 có thể thay đổi điều này.
Mục tiêu Ngân hàng Trung ương
Cho dù những biện pháp này được thực hiện quá muộn để có thể ngăn ngừa chiến dịch quân sự vào Ukraine, nhưng các chuyên gia cho rằng sẽ có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế Nga, khi mục tiêu mà chúng nhắm vào là ngân hàng Trung ương và khả năng đóng băng lượng dự trữ ngoại tệ lên tới 630 tỷ đô la, qua đó tác động mạnh tới hệ thống ngân hàng và đồng tiền Rúp.
Nhưng về ngược lại, Matxcova sẽ có các động thái trả đũa, điều không nghi ngờ sẽ khiến thị trường thế giới bất ổn và giá năng lượng tăng cao.
Ngày 27/2, Nga tuyên bố các lệnh trừng phạt là “không hợp pháp”, và cho biết các lực lượng hạt nhân của nước này đã được đặt trong mức sẵn sàng cao.
Việc phương Tây triển khai các biện pháp trả đũa kinh tế cũng sẽ được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ, vốn có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 3,400 tỷ đô la, về cách thức phương Tây phản ứng trong trường hợp Bắc Kinh có động thái quân sự với Đài Loan.
Đến nay, một số biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cho thấy tác động ở mức giới hạn. Điển hình là việc trừng phạt các tỷ phú Nga và tài sản ở nước ngoài khiến một số cá nhân lên tiếng kêu gọi việc chấm dứt đổ máu, nhưng không thể thay đổi quan điểm của những nhân vật lãnh đạo tại Kremlin.
Trong khi đó, việc giới hạn xuất khẩu công nghệ và sản phẩm công nghiệp của phương Tây cho Nga sẽ mất nhiều tháng, thậm chí là năm để mang lại hiệu quả. Thậm chí việc Mỹ công bố lệnh trừng phạt vào Sberbank và VTB Bank ngày 24/2, vốn chiếm tổng cộng 75% tài sản trong hệ thống ngân hàng của Nga, sẽ khó có thể gây tác động trực tiếp, khi lệnh trừng phạt này không bao gồm các giao dịch về năng lượng.
Bước đi ngày 26/2, tuy nhiên, đã đẩy mọi thứ xa hơn. Mỹ và phương Tây lên tiếng kêu gọi loại bỏ các ngân hàng Nga, bao gồm Sberbank và VTB, khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, qua đó mọi đối tác, không chỉ phương Tây, sẽ gặp nhiều khó khăn trong giao dịch với các công ty Nga. Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT không phải là biện pháp “chí mạng” như kì vọng. Trong trường hợp vẫn tiếp tục giao dịch kinh tế, những đối tác này sẽ phải sử dụng email hay điện thoại để liên lạc, điều sẽ khiến mọi thứ trở nên phiền hà hơn.
Mà thay vào đó, bước đi quan trọng là nhằm vào các thể chế giữ vị trí trung tâm của nền kinh tế Nga, đó là Ngân hàng Trung ương. Hiện cơ quan này đang giữ 630 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ, tương đương với 38% GDP của Nga vào năm 2021.
Các quan chức của chính phủ Mỹ cho biết họ cùng với các đối tác của EU, sẽ ngăn ngân hàng Trung ương Nga sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ này để giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt.
Nga có thể đã tính đến điều này khi chuyển một phần nguồn dự trữ này khỏi đồng đô la, tính tới tháng 6/2021, đồng tiền xanh chỉ còn chiếm 16% trị giá dự trữ ngoại tệ, so với 32% bằng Euro, 22% vàng và 13% của đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, phần lớn cổ phiếu, tiền gửi ngân hàng, hay những tài sản khác, bất chấp việc được neo vào đồng tiền nào, vẫn được giữ ở những thể chế kinh tế và tài chính sẽ thực thi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này có nghĩa một phần không nhỏ lượng tài chính được Nga dùng vào cho cuộc chiến sẽ bị phong toả.
Nguy cơ đóng cửa thị trường tài chính
Phản ứng trước các biện pháp mới trên, Ngân hàng Trung ương Nga ngày 27/2 cho biết cơ quan này có đủ nguồn lực cần thiết để duy trì ổn định thị trường tài chính.
Nhưng những chỉ dấu đang cho thấy sự ngược lại. Nếu Ngân hàng Trung ương Nga không thể tiếp cận ngay lập tức với nguồn dự trữ trên, sẽ rất khó để có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách sử dụng ngoại tệ để hỗ trợ đồng Rúp đang xuống giá, như cơ quan này đã làm trong những ngày qua.
Ngân hàng này cũng khó có thể hỗ trợ thanh khoản bằng ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại đang bị trừng phạt, qua đó làm tăng rủi ro các ngân hàng có thể bị vỡ nợ khi không thể thanh toán kịp thời các khoản vay bằng ngoại tệ cho các đối tác.
Một vấn đề khác là Ngân hàng Trung ương cũng không thể đứng ra làm trung gian cho các ngân hàng thương mại để nhận hoặc chi bằng ngoại tệ cho các đối tác nước ngoài, vốn là một phương thức về lý thuyết giúp tránh né các lệnh trừng phạt.
Những yếu tố này đều cho thấy một sự bất ổn đang lan rộng trong hệ thống tài chính của Nga. Đến nay, những tác động từ cuộc chiến dù nặng nề nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Giá đồng Rúp đã giảm khoảng 10% , giá trị trên thị trường chứng khoán khoảng 35%, và các ngân hàng lớn khoảng hơn 50%.
Tính đến 25/2, chi phí bảo hiểm trước việc chính phủ Nga vỡ nợ vẫn ngang bằng với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng hiện sức ép đang gia tăng. Những người dân thường Nga có thể sẽ mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng, cho dù việc họ rút tiền được thực hiện bằng đồng Rúp, và Ngân hàng Trung ương có thể cung cấp các khoản vay bằng Rúp cho các ngân hàng. Nhờ vào khoản thu từ dầu mỏ, Nga hiện đang có tài khoản thanh toán thặng dư, nhưng nếu sự lo ngại trong thị trường tiếp tục kéo dài và nguồn vốn bị rút ra mà không được bù đắp, giới chức Nga có thể buộc phải siết chặt kiểm soát dòng vốn nhằm ngăn ngừa sự sụp đổ của đồng nội tệ. Nga cũng có thể lựa chọn phương án tạm đóng cửa thị trường tài chính.
Cho đến nay, một số ngân hàng Trung Quốc đã lựa chọn giao dịch với đối tác Nga bằng các đồng tiền khác ngoài đô la, cũng như chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hay các nước châu Á có ý định thực thi các biện pháp trừng phạt giống phương Tây. Nhưng ở thời điểm khi rủi ro đang ngày càng cao về việc các ngân hàng Nga không có khả năng thanh toán bằng ngoại tệ với các đối tác và vỡ nợ, việc giao dịch với các thể chế này sẽ bị hạn chế lớn.
Tính nghiêm trọng của các biện pháp này tới mức Nga có thể coi điều này gần tương tự như một hành động gây chiến, và sẽ dẫn đến các biện pháp đáp trả.
Ngày 27/2, điện Kremlin cho biết đã đặt các lực lượng ngăn cản hạt nhân vào “tình trạng báo động cao”. Điều này đã phát đi dấu hiệu rằng Matxcova không tin rằng có sự phân tách giữa các cuộc chiến tranh kinh tế hay chiến tranh truyền thống. Và hệ quả là phương Tây có thể sẽ phải điều chỉnh chiến lược hạt nhân nhằm đáp trả bước đi của Nga.
Có nhiều cách để Nga có thể đáp trả. Một mặt là tăng cường các cuộc tấn công mạng vào thể chế tài chính và chính trị của phương Tây. Mặt khác là giới hạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Cho đến ngày 25/2, lượng cung khí đốt từ Gazprom thông qua Nga đã quay trở về mức bình thường, theo thông tin từ Bloomberg, nhưng rõ ràng Nga có thể cắt giảm nguồn cung.
Điều này sẽ chỉ có tác động giới hạn lên tình hình tài chính của Nga, khi xuất khẩu dầu thô đóng vai trò lớn hơn. Nhưng đồng thời sẽ làm giá dầu và khí đốt tăng cao, và kéo theo là chi phí tiêu dùng nhiên liệu của người dân.
Và trong trường hợp này, phương Tây vẫn có thể sẽ áp đặt thêm các biện pháp kinh tế lên Nga, bao gồm cắt dịch vụ internet hay trừng phạt ngành năng lượng của nước này.
Liệu quyết tâm mới của phương Tây có thành công trong việc “đánh gục” nền kinh tế Nga hay trước khi Matxcova kịp hoàn thành mục tiêu quân sự ở Ukraine vẫn còn ở tương lai phía trước. Nhưng không nghi ngờ nền kinh tế Nga sẽ bị thiệt hại nặng nề, và điều này cũng sẽ thay đổi căn bản cơ chế thực hiện của các lệnh trừng phạt trong khuôn khổ kinh tế toàn cầu. Đó là bởi nhiều quốc gia theo đuổi những chính sách ngoại giao đối lập với Mỹ đang duy trì lượng dự trữ ngoại tệ lớn.
Và quốc gia có dự trữ lớn nhất trong số này là Trung Quốc, trong đó phần lớn khoản dữ trự được lưu giữ tại các hệ thống tài chính của phương Tây hay thông qua các công ty nước ngoài. Bắc Kinh sẽ theo sát những biến động của hệ thống tài chính Nga, cách thức nước này trả đũa, và đánh giá viễn cảnh để tránh một nguy cơ tương tự trong tương lai trước sức mạnh từ hệ thống tài chính của Mỹ và đồng minh.