Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền kinh tế Việt Nam ảnh hưởng ra sao sau EVFTA?

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 12/2 (giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu (EP) chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao nhất trong số các FTA trước đây của Việt Nam, EVFTA được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Sản xuất xe hơi tại Nhà máy ô tô Vinfast. Ảnh: Phạm Hùng
Cú hích lớn cho xuất khẩu
Các chuyên gia kinh tế đều đưa ra nhận định, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ... là rất đáng kể.
Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách các nước... tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA góp phần làm GDP tăng thêm mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản sang EU: Gạo khoảng 65% vào năm 2025; đường 8%; thịt lợn 4%; lâm sản 3%; thịt gia súc gia cầm 4%. Trong khi đó, với nhóm ngành chế biến chế tạo: May mặc dự tính tăng 81%, da giày 99%, dệt 67%. Nhóm ngành dịch vụ cũng ước tính: Vận tải thủy tăng 100%, vận tải hàng không 141%, tài chính và bảo hiểm 21%, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác là 80%.
Về nhập khẩu, nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, tiếp đến là máy móc và thiết bị, dệt may, điện thoại và linh kiện điện tử...
Triển vọng thu hút FDI từ EU
Cũng theo nghiên cứu, cắt giảm thuế quan theo EVFTA sẽ có tác động 2 chiều đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN). Một là giảm thu NSNN do giảm thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu. Hai là tăng thu do có thu thêm từ thu nội địa dưới tác động tích cực của thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Dự kiến tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của hiệp định là 2.537,3 tỷ đồng. Mặt khác, thu NSNN tăng lên do thu nội địa từ tác động tăng trưởng của EVFTA là 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2030. Trong năm đầu tiên, thu ngân sách có thể tăng thêm 150 tỷ đồng.
Hiệp định EVFTA được dự báo sẽ giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Trong đó, dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030), mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 3,1%, 4,3%, 3,8% vào các năm 2020, 2025 và 2030.
Đối với tác động của Hiệp định tới đầu tư trực tiếp nước ngoài, mặc dù chưa tính toán được con số chính xác, tuy nhiên kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với tốc độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng bảo hiểm, vận tải biển. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vồn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Đi cùng với đó, cơ cấu lĩnh vực đầu tư cũng có thể có thay đổi khi Việt Nam thu hút được các đối tác mới và lĩnh vực thu hút đầu tư mở rộng. Với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.