Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nền tảng cho Việt Nam trước vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những dấu ấn từ nhiệm kỳ 2014-2016, vai trò dẫn dắt thể hiện trên trường quốc tế cũng như uy tín của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn thế giới là "bàn đạp" để ta tiến lên với nhiệm kỳ tới trong Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đã trúng cử thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. 
Việt Nam đã trúng cử thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. 

Đáng nói, đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận vai trò thành viên của Hội đồng. Kể từ khi HĐNQ LHQ được thành lập, Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của cơ quan này. Những kinh nghiệm, uy tín cùng những gì chúng ta đã thể hiện trên trường quốc tế thời gian qua sẽ trở thành "bàn đạp" vững chắc cho vai trò này nhiệm kỳ 2023-2025. 

Thông điệp của Việt Nam – tinh thần các nước cần theo đuổi

Tháng 3/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên họp cấp cao trong khuôn khổ Khóa 49 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đưa ra thông điệp ứng cử và tôn chỉ hành động của Việt Nam là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người”, đồng thời nhấn mạnh các nội dung, vấn đề Việt Nam ưu tiên thúc đẩy khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Phái đoàn Việt Nam tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ). 
Phái đoàn Việt Nam tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ). 

Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Federico Villegas cho rằng, thông điệp ứng cử của Việt Nam chính là tinh thần các nước cần theo đuổi khi tham gia Hội đồng Nhân quyền. Với sự đa dạng về điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, các nước cần có sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng các giá trị chung của nhân loại, trong đó có luật pháp quốc tế và quyền con người.

 

"Việc Việt Nam trúng cử không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao."

- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu - 

Dấu ấn ở Hội đồng Nhân quyền LHQ

Dấu ấn đậm nét phải kể đến là việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Tích cực trong các hoạt động của HĐNQ, Việt Nam đã thúc đẩy các sáng kiến thể hiện bản sắc riêng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”.

Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Ảnh: TTXVN
Các nước chúc mừng Việt Nam trúng cử HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Ảnh: TTXVN

Việt Nam tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của HĐNQ trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xoá bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hoá đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.

Đồng thời, Việt Nam có nhiều đóng góp, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, các nhóm nước nhằm thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng, tiến bộ, hướng tới con người của HĐNQ trên những vấn đề còn khác biệt. Ví dụ như quyền sức khoẻ sinh sản, chống bạo hành với phụ nữ, xoá bỏ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên cơ sở bản dạng giới và xu hướng tình dục…

Đáng chú ý, Việt Nam cũng được tín nhiệm bầu làm Điều phối viên ASEAN tại HĐNQ giai đoạn 2014-2016. Một dấu ấn đặc biệt khác là việc Việt Nam nghiêm túc thực hiện UPR, cơ chế quan trọng nhất của HĐNQ. Cụ thể là, Việt Nam triển khai có hiệu quả Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III đã chấp thuận.

Thể hiện vai trò dẫn dắt ở các diễn đàn đa phương

Không chỉ ở HĐNQ, Việt Nam cũng ghi nhiều dấu ấn trong việc bảo đảm quyền con người tại các diễn đàn đa phương khác như Ủy ban các vấn đề nhân đạo, xã hội, văn hóa (Ủy ban 3) của Đại hội đồng LHQ, ASEAN. Trong đó, Việt Nam tích cực thúc đẩy hành động và đóng góp nhiều giải pháp, sáng kiến về quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, các vấn đề an ninh phi truyền thống thuộc quan tâm chung, đặc biệt là ứng phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo đảm quyền con người với tư cách là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: TTXVN

Tháng 10/2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 với 183 phiếu ủng hộ trong tổng số 190 thành viên tham gia bỏ phiếu. Như một bằng chứng cho thấy vai trò dẫn dắt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam là ứng cử viên đạt được sự đồng thuận của cả Nhóm châu Á-Thái Bình Dương trong Đại hội đồng.

Kể từ khi chính thức trở thành thành viên LHQ năm 1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của LHQ trong xây dựng hòa bình, phát triển và nhân quyền. Với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, Việt Nam lần thứ 2 được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 -2021.

Cùng với sự tham gia vào Hội đồng Nhân quyền và Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các công ước của LHQ về chống tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo, loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Ghi nhận từ cộng đồng quốc tế

Tờ The Washington Times của Mỹ trong một trang viết số ra ngày hồi cuối tháng 9 đã đánh giá cao nỗ lực bảo đảm quyền con người cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.

Tờ Washington Times của Mỹ hồi tháng 9 dành một trang bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Tờ Washington Times của Mỹ hồi tháng 9 dành một trang bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

“Giới lãnh đạo chính trị của đất nước từng trải qua chiến tranh hiểu rằng, tương lai của mình phụ thuộc vào cải cách, một chính sách cân bằng và mở rộng nền kinh tế thị trường tự do,” trang viết có đoạn.

Việt Nam tiếp tục có được những đánh giá cao của những nhà quan sát LHQ kể từ khi nước này cử cán bộ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ưu tiên của LHQ và gần đây là cuộc chiến khống chế thành công đại dịch Covid-19, bao gồm việc cung cấp khẩu trang và thiết bị y tế cho các quốc gia ít được quan tâm hơn.

Việt Nam cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với các công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Hiện Việt Nam là thành viên của 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Cũng theo trang báo Mỹ, Một phần trọng tâm của sự cởi mở và gắn kết của Việt Nam với thế giới chính là sự sẵn sàng để có được tiếng nói và vị thế nổi bật hơn tại LHQ. Điều này đã được thể hiện rõ nhất qua nỗ lực thành công của Việt Nam khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ vào đầu năm 2014.

Việc Việt Nam trở thành thành viên của HĐNQ LHQ không chỉ làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế mà còn tạo cơ hội để thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam.