Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế:

Nên thay đổi cách nhìn, quy trình đấu thầu

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều nơi do chậm trễ trong đấu thầu, các địa phương, bệnh viện (BV) vẫn đang phải loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề, có nên xem xét bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, BV, cơ sở y tế tự quyết nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế tại các BV hiện nay.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do chậm đấu thầu, ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh (KCB), tác động nhiều nhất đến bệnh nhân. Đặc biệt là thiếu thốn về thuốc, về các điều kiện chăm sóc y tế, phương tiện kỹ thuật phục vụ KCB; ảnh hưởng về kinh tế, quyền lợi của người bệnh, không được đảm bảo khi mua thuốc rất khó khăn.

Nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Hùng
Nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Hùng

Theo báo cáo của các Sở Y tế và BV tuyến T.Ư, có tới 26 – 28 báo cáo của sở y tế nói về thiếu thuốc về vật tư y tế. 12 - 15 BV tuyến T.Ư thiếu thuốc và thiếu vật tư y tế. Tình trạng này là nghiêm trọng.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, những ngày qua, các BV hết sức khó khăn trong việc cung ứng đủ thuốc, vật tư, đặc biệt là vật tư tiêu hao phục vụ thăm khám, chữa trị cho người bệnh. Đây là thực trạng chung, không riêng gì của BV tuyến T.Ư hay cơ sở, phía Bắc hay phía Nam.

Chính phủ, các bộ, ban ngành đã vào cuộc quyết liệt và có nhiều giải pháp chỉ đạo cấp bách cho vấn đề này, tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư là do sau thời gian Covid-19, nhu cầu KCB tăng lên đột biến. Bên cạnh đó, có hiện tượng bất an lo ngại trong mua sắm thuốc men và vật tư y tế.

“Chúng tôi cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện để thực hiện các bài thầu trong công tác mua sắm, tránh tình trạng rơi vào các bẫy chỉ định thầu. Nhiều thiết bị y tế, thuốc chính hãng chỉ có một hãng sản xuất nên việc tổ chức đấu thầu đôi khi rất khó” - PGS.TS Đào Xuân Cơ nêu rõ.

Trước đó, Bộ Y tế cũng thừa nhận, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm, không dám triển khai đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Thậm chí, ngay cả khi một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho hay, hiện một số địa phương như TP Hồ Chí Minh cũng đang cho các cơ sở tham gia đấu thầu. Tuy nhiên, việc đấu thầu tại các cơ sở thực tế mất rất nhiều thời gian. Việc thanh toán, giá cả giữa các cơ sở KCB cũng có sự chênh lệch. Vì mất nhiều thời gian, nhân lực như vậy, nên các cơ sở y tế cũng không muốn tham gia đấu thầu.

Nên giao bệnh viện tự chủ?

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do tình trạng chậm đấu thầu gây ra, một số ý kiến cho rằng, nên bỏ đấu thầu thuốc tập trung và giao cho các địa phương, các BV, cơ sở tự quyết.

Xung quanh vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam Dương Tuấn Đức cho rằng, đấu thầu tập trung có rất nhiều lợi thế, đặc biệt sẽ giảm được các hội đồng đấu thầu thuốc ở các cấp cơ sở KCB.

Bên cạnh đó, đấu thầu tập trung quốc gia sẽ có giá thấp hơn giá khi các cơ sở y tế mua lẻ. Tuy nhiên, thực tế việc đấu thầu hiện nay có rất nhiều vấn đề, kể cả có quy định nhưng vẫn còn những lỗ hổng trong quá trình đấu thầu và rất khó khăn cho các đơn vị đấu thầu. Nhiều ý kiến cho rằng, đấu thầu thuốc chưa chắc là giải pháp hữu hiệu nhất để quản lý giá thuốc.

“Đã đến lúc, Việt Nam nên nghiên cứu thay đổi hình thức đấu thầu bằng kiểm soát giá thuốc, đưa ra mức giá trần. Từ đó, các cơ sở KCB có thể tự mua sắm ở các đơn vị cung ứng theo mức giá này” - ông Đức nhấn mạnh.

Đề cập đến vấn đề chi phí thực tế khi đấu thầu đã tính đúng, tính đủ hay chưa, ông Đức cho rằng, giá thuốc dự thầu không phải giá thuốc nhập về, mà ngoài giá nhập về, cơ sở, đơn vị kinh doanh thuốc còn tính toán các chi phí khác, kể cả chi phí lợi nhuận. Nếu nhập nguyên liệu thì có thêm chi phí đóng gói, bao bì, vận hành… sau đó mới ra giá dự thầu.

Giá dự thầu là giá tham khảo trong vòng 12 tháng, không phải tại thời điểm trước khi đấu thầu, nên giá dự thầu là cả một dải giá, chỉ quy định không được vượt quá giá cao nhất, chứ không quy định giá thấp nhất. Vấn đề này sẽ do hội đồng đấu thầu tính toán để với số lượng thuốc, địa bàn, khả năng cung ứng của nhà thầu sẽ đưa ra mức giá kế hoạch sát nhất với tình hình thực tế. Vì vậy, giá dự thầu là giá đã được các DN tính đúng, tính đủ.

“Theo quy định trong Thông tư 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, trong trường hợp mặt hàng thuốc đó nằm trong danh mục đấu thầu tập trung quốc gia nhưng khi chưa tổ chức đấu thầu được, cơ sở KCB được phép đấu thầu hoặc mua sắm theo các hình thức hợp pháp khác. Nếu đang trong quá trình sử dụng mặt hàng thuốc này, có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia thì sản phẩm đó sẽ được áp dụng giá thuốc theo giá đấu thầu tập trung quốc gia và không bị xuất toán.

Mới đây, Bộ Y tế thông báo đã mở được gói thầu tập trung và sẽ có kết quả công bố trong tháng 7 này. Gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá gần 10.000 tỷ đồng, chiếm đến 1/4 chi phí thanh toán KCB về thuốc trong năm, là những loại thuốc rất quan trọng, chủ yếu là thuốc nhóm 1, nhóm 2” – ông Đức thông tin.

Đồng quan điểm, PGS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không là biện pháp tối ưu. Quan trọng, mục tiêu cuối cùng hướng đến là làm sao phục vụ người bệnh tốt nhất, lựa chọn những thuốc chất lượng nhất với giá cả hợp lý nhất.

Hợp lý chứ không có nghĩa rẻ nhất. Chính bản chất của đấu thầu mới dễ nảy sinh tiêu cực, dễ "quân xanh quân đỏ" nếu kiểm soát không tốt. Việc đấu thầu chọn giá thấp không biết tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhưng thay vào đó tốn nhân lực của bác sĩ, nhân viên y tế, thay vì lo nâng cao chuyên môn thì lo tập trung loay hoay mua sắm.

“Để giúp BV có thể chủ động trong việc tìm nguồn thuốc, vật tư y tế, theo tôi nên giao cho các BV quyền tự chủ. Cứ giao cho khoản tiền, miễn làm sao BV hoàn thành nhiệm vụ. Năm nay, BV KCB cho bao nhiêu bệnh nhân, tỉ lệ hài lòng thế nào… BV làm sao ra được kết quả đó là do BV. BV nào khéo tìm nguồn thuốc vừa rẻ vừa chất lượng sẽ mang lợi cho bệnh nhân, nhân viên của BV cũng sẽ được thu nhập cao” - PGS Phạm Khánh Phong Lan cho hay.

 

"Trong Luật Đấu thầu, Nghị định 63 gồm có phương thức mua sắm không tập trung và phương thức mua sắm tập trung. Việc phân cấp thẩm quyền tùy thuộc vào danh mục mua sắm tập trung. Nghĩa là các đơn vị thực hiện đấu thầu khi thấy đưa vật tư, trang thiết bị vào danh mục mua sắm tập trung mà không thực hiện được thì sẽ giao quyền tự chủ cho các đơn vị.

Theo tôi hiểu về hành lang pháp lý thì luật đã trao quyền tự chủ cho các địa phương. Bản thân trong Luật Tài sản công cũng như thế. Khi ban hành danh mục các tài sản công nếu thấy không thực hiện được thì cũng sẽ trao quyền tự chủ cho các đơn vị để tự thực hiện." - Trưởng phòng Tài sản xã lập sở hữu toàn dân, Cục Quản lý công, Bộ Tài chính Phạm Minh Hóa

"Nếu chúng ta không thay đổi về cách nhìn, quy trình đấu thầu thì việc lập trung tâm mua sắm nguồn thuốc, vật tư y tế cũng chỉ là “bình mới mà rượu cũ”." - PGS Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội,
Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần