Đó là xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những phẩm chất yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo… phải gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc. Suy nghĩ và cảm thấy ấm lòng.
Từ câu chuyện ngày Xuân
Theo truyền thống ngàn đời của dân tộc, ngày Xuân, ngày Tết là dịp những người trong gia đình tụ họp, sum vầy. Cái sự sum vầy không đợi đến những ngày Tết, mà đã diễn ra trước đó, khi nhà nhà chuẩn bị đón cái Tết lớn nhất của một năm.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Đôi câu đối trên phần nào nói lên những công việc chuẩn bị cho một cái Tết. Như nồi bánh chưng chẳng hạn. Những người ở lứa tuổi chúng tôi, năm nay đã dần sang ngưỡng “xưa nay hiếm”, hẳn còn nhớ không khí rộn rịp cả nhà cùng nhau chuẩn bị nồi bánh chưng Tết. Các chị em gái rửa lá, vo gạo, đãi đỗ. Mẹ bận rộn pha pha, thái thái ướp thịt làm nhân. Chuẩn bị xong xuôi cả nhà xúm xít bên chiếc chiếu trải giữa nhà, xem bố cùng anh cả gói bánh…
Có những chuyện tưởng nhỏ nhưng là điều người ta không thể quên, thậm chí thiếu nó như là Tết chưa đầy đủ. Với nhiều gia đình, dù ở thôn quê hay thành thị, đó là nồi nước lá mùi già. Tắm gội bằng thứ nước thơm ngát hương đồng gió nội ấy vào ngày tất niên như là một nghi lễ tẩy bỏ hết những gì không may mắn của năm cũ, đón năm mới hạnh phúc, an lành. Giờ không ít gia đình ở Hà Nội, dù đã ở một biệt thự sang trọng hay căn hộ chung cư cao cấp, có những phòng tắm hiện đại với đủ vòi sen, bồn tắm… vẫn giữ nếp đun nước lá mùi già tắm tất niên.
Đôi khi, chúng ta hay nghĩ văn hóa phải là một cái gì đó cao xa. Nhưng xét cho cùng, nồi bánh chưng, nắm lá mùi già hay bữa ăn sum họp cũng là văn hóa vậy. Nó không chỉ làm nên hương vị ngày Tết, mà còn là sợi dây gắn kết, bồi đắp tình thân giữ các thành viên, tạo nếp văn hóa gia đình, yếu tố cấu thành của nền văn hóa Việt Nam.
Đến tạo dựng nền nếp gia đình
Giống như đa phần các dân tộc Á Đông, câu chào, lời thăm hỏi vẫn được người Việt Nam xem trọng và được đánh giá như một tiêu chí văn hóa của mỗi người. Ngày Tết, thời khắc mở đầu của một năm mới điều này càng được coi trọng. Và không chỉ ngày Tết, người Việt Nam, các bậc ông bà cha mẹ thường rất vui, hãnh diện khi con cháu mình ngay khi mới bập bẹ tập nói, chập chững tập đi đã biết vòng tay, cúi đầu, ạ thật to để chào khách đến nhà.
Đó là bài học đầu tiên mà cha mẹ, người thân trong gia đình dạy cho con trẻ. Trong mỗi gia đình Việt Nam truyền thống, mỗi người đều có phần việc của mình. Nhỏ thì dọn mâm bát, quét nhà, lớn thì đi chợ nấu cơm. Mỗi người mỗi việc, giờ nào việc nấy… là những nét đẹp thường nhật, tạo nên một nếp văn hóa gia đình, nơi được coi là cái nôi hình thành, vun đắp nhân cách con người Việt Nam thời kỳ đổi mới. Cuộc sống hiện đại đã có nhiều thay đổi. Nhưng cái bất biến để tạo dựng cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc vẫn là tình yêu thương, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên và điều đó được xây đắp ngay từ những nền nếp nho nhỏ.
Ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu của chương trình là phát triển văn hoá và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Với mục tiêu đó, phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có rất nhiều việc phải làm. Một trong những việc cần chú trọng là rèn luyện cho con người có nếp sống văn hóa, trước tiên là biết sống có trách nhiệm, có tình cảm yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ giúp đỡ những người thân trong gia đình.
Và Tết, với những nếp đẹp ngày Xuân, là một dịp tốt để thực hiện việc nêu gương đó. Bởi từ bao đời nay, ông bà ta ăn Tết, chơi Tết đều rất có văn hóa. Nét văn hóa ấy được chọn lọc, truyền dạy, giữ gìn từ đời này qua đời khác thành tinh hoa cho cả dân tộc, đất nước một cách tự nhiên. Suy cho cùng, đó cũng là phát huy sức mạnh của văn hóa gia đình trong nguồn lực chung của văn hóa dân tộc, đất nước.