Trải qua nhiều thăng trầm, đổi thay của xã hội, Hà Nội ngày nay đã mang một diện mạo khác. Nét thanh lịch của người Tràng An, vì vậy có ít nhiều đổi thay theo biến động của thời cuộc.
Hà Nội đã khác xưaĐi tìm nét thanh lịch xưa của người Hà Nội trong nhịp sống hối hả ngày nay, giống như cách chúng ta đi tìm số nhà trong những con ngõ, con hẻm bé nhỏ của Thủ đô. Lục lại trong ký ức, chúng tôi tìm đến một con phố cổ - nơi sinh sống của cư dân Hà Nội qua nhiều đời. Họ cũng là người từ nông thôn đến, chọn Kẻ Chợ làm nơi an cư.
Họ đến từ nhiều nơi và thành cư dân Hà Nội. Họ vừa mang theo dấu ấn của quê gốc, đồng thời được Hà Nội hóa theo thời gian. Nếu cách đây một thế kỷ, qua các bức ảnh cũ, qua những lời ghi chép trong thư tịch, qua văn chương khi các thiếu nữ và phụ nữ Hàng Đào bỗng từ răng đen chuyển sang răng trắng, từ áo tứ thân chuyển sang áo dài, từ khăn vuông mỏ quạ chuyển sang tóc vấn trần... được xem như là nét dáng thanh lịch. Từ đó đến nay, cách ăn, cách mặc của Hà Nội đã có quá nhiều thay đổi, để không còn nhiều dấu tích của một thời xưa. Vậy cái gì là nét thanh lịch của người Hà Nội?Mang những băn khoăn, trăn trở ấy đến chia sẻ với GS Phong Lê - Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), ông cho biết: “Ngót 60 năm sống ở Hà Nội, với bất cứ cộng đồng dân cư nào, tôi cũng có chú ý quan sát xem họ và mình có mang được một chất lượng sống gì mới, để gọi là dân cư Hà Nội không? Chắc chắn với số khá đông cư dân tứ phương đến sinh sống và trở thành dân Hà Nội thì bất cứ khái niệm nào, mỹ từ nào dành cho Hà Nội cũng đều mang theo một nghĩa mới. Đó là sự thích hợp với hoàn cảnh sống đã thay đổi trong cả một thế kỷ sôi động vừa qua. Như vậy, Hà Nội đã làm thay đổi họ và họ cũng góp phần làm thay đổi Hà Nội. Để có Hà Nội trong thời chiến và Hà Nội trong thời bình; Hà Nội nơi công sở và Hà Nội ở ngõ chợ; Hà Nội trung tâm và Hà Nội ngoại ô”.Nét thanh lịch thời nayTrở về với hai chữ “thanh lịch”, với cách hiểu như thế nào về nó? GS Lê Phong phân tích, chiết từ ra “thanh” gợi nghĩ sự thanh tú, thanh nhã, thanh cao... còn “lịch” là kinh lịch, là lịch thiệp, lịch lãm... có người hiểu là nền nã. Nhưng nền nã theo cách hiểu quen thuộc thường gợi nghĩ sinh hoạt những gia đình có nền nếp, gia giáo vì gắn với gia phong, nếp nhà, trong một xã hội yên ổn, bình lặng. Tuy nhiên, cuộc sống thế kỷ XX có quá nhiều đổi thay, xáo trộn. Chỉ cần nhìn vào lối ăn mặc, ở, đi lại, thú chơi thì thấy không có gì là như cũ.Đi tìm một phẩm chất gì khác để nói lên được nét đặc trưng thanh lịch của người Hà Nội quả thực như mò kim đáy bể. Người Hà Nội là tổng hòa tất cả các phẩm chất như ứng xử bao dung, lịch thiệp, không địa phương, không cục bộ, không gây mặc cảm, không tỏ ra kỳ thị; là sự coi trọng các giá trị văn hóa tinh thần và mở rộng ra là coi trọng con người; là một quan niệm rộng rãi cho sự tự do và chính kiến cá nhân... Nếu không có những phẩm chất “thanh lịch” của người Hà Nội đó sẽ không có Hà Nội phát triển hưng thịnh như ngày nay. Chính với nét ứng xử thanh lịch ấy mà ai được sống ở Hà Nội, trở thành cư dân Hà Nội đều cảm thấy tự hào là được sống trong không gian Hà Nội.
Nói cách khác, những gì cả nước có, Hà Nội đều có. Hà Nội luôn gắn với cả nước. Người Hà Nội không đứng riêng hoặc đứng ngoài cộng đồng người Việt Nam; nhưng do khả năng tiếp nhận và gạn lọc kỳ diệu, Hà Nội vẫn có một nét riêng, để được gọi là người Hà Nội với phẩm chất Hà Nội.