Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

New York giải bài toán tốc độ cho hệ thống xe buýt lâu đời

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trang bị công nghệ mới và thiết kế lại các tuyến đường, TP New York, Mỹ, đã khởi động lại chiến dịch cải tiến dịch vụ nhằm thu hút hành khách quay trở lại hệ thống xe buýt lâu đời.

Xe buýt băng qua một giao lộ tại New York, Mỹ. Ảnh: Bloomberg
Xe buýt băng qua một giao lộ tại New York, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Trước đại dịch Covid-19, giao thông tại New York dày đặc đến nỗi mọi người cảm thấy đi bộ nhanh hơn xe buýt - loại phương tiện có thời điểm được ước tính chạy với tốc độ trung bình chỉ khoảng 8km/h.

Những thách thức từ việc hành khách bỏ xe buýt trở thành một bài toán lớn với New York: Năm 2018, hệ thống này đã giữ "danh hiệu kép" về cả hệ thống lớn nhất và chậm nhất ở Mỹ; 100 triệu hành khách hàng năm đã từ bỏ xe buýt trong hơn 1 thập kỷ, khi các dịch vụ gọi xe giá rẻ ra đời, khiến đường phố thêm tắc nghẽn và tốc độ xe buýt càng giảm.

Vào tháng 1/2021, con đường chính dẫn đến trung tâm TP - khu dân cư Flushing, quận Queens - đã trở thành "đường xe buýt", nghĩa là chỉ xe buýt, xe tải và xe cấp cứu mới được phép đi qua một điểm nhất định. Chỉ trong vòng vài tháng áp dụng, TP đã báo cáo mức tăng tốc độ của xe buýt lên đến 31%.

Theo người phát ngôn của Sở Giao thông Vận tải New York (MTA), kể từ tháng 5/2021, tốc độ của xe buýt đã tăng 50% vào lúc cao điểm buổi chiều. Bloomberg dẫn lời một tài xế xe buýt lâu năm tại New York nhận xét, tình hình đã thực sự được cải thiện kể từ năm 2021, ngay cả khi những người lái xe khác vi phạm pháp luật vẫn lẻn vào làn đường dành cho xe buýt.

Việc xử lý tốc độ trên đường cho xe buýt là một phần của Better Buses Restart - kế hoạch nhằm cải thiện dịch vụ xe buýt công cộng của TP New York từ năm 2018, tuy nhiên đã bị tạm dừng vào tháng 3/2020. Hoạt động di chuyển bằng xe buýt của TP đã phục hồi nhanh hơn so với tàu điện ngầm, sau khi Covid-19 buộc phải tạm ngừng hoạt động của nhiều phương tiện giao thông công cộng.

Hiện tại, khi lượng người đi lại bằng ô tô tăng trở lại, khiến giao thông qua cầu và đường hầm trở lại mức trước đại dịch, việc sử dụng tàu điện ngầm và xe buýt tại New York vẫn ở mức cao hơn khoảng 60% so với những ngày trước đại dịch.

Theo Bloomberg, mục tiêu tham vọng nhất của kế hoạch năm 2018 dường như là lời hứa sẽ đại tu 322 tuyến xe buýt của TP vào năm 2021. Mạng lưới lâu đời tại 5 quận nội đô đã không hoạt động trong nhiều thập kỷ, khiến hệ thống không đồng bộ với những nơi mà người dân New York thực sự cần đi.

Mạng lưới xe buýt tốc hành của quận Staten Island là mạng lưới đầu tiên được thiết kế lại vào năm 2018, và được đánh giá là một thành công. Quận Bronx đặt mục tiêu để 1/3 dân số đi xe buýt, tiếp theo là Queens, Brooklyn và Manhattan. Nhưng đến năm 2022, không một kế hoạch nào trong số 4 kế hoạch đại tu còn lại được thực hiện, bới nhiều lý do khác nhau.

Bản thiết kế lại của Bronx đã được công bố vào mùa Thu năm 2019, nhưng sau đó mọi thứ đã được tạm hoãn 18 tháng vì Covid-19. Kế hoạch cho Queens - sẽ là nhiệm vụ thiết kế lại hệ thống cho xe buýt lớn nhất nước Mỹ khi xét về quy mô và phạm vi - đã vấp phải một sự phản đối không ngờ: Một đề xuất năm 2019 nhằm giảm số lượng các tuyến đường đã gây ra cuộc tranh cãi lớn, với hơn 11.000 ý kiến trao đổi. Toàn bộ phái đoàn Queens của hội đồng thành phố đã phản đối, buộc kế hoạch này bị gác lại.

Vào cuối tháng 3/2022, MTA đã công bố một kế hoạch dự thảo cho Queens: Thay vì ít tuyến hơn, quận này sẽ có tổng cộng 85 tuyến, với 20 tuyến mới và 5 tuyến kết hợp các tuyến hiện có. Và thay vì hợp nhất số điểm dừng lại bằng một nửa, MTA sẽ cắt giảm khoảng 1/3. Kế hoạch này, dường như dễ chịu hơn đối với người dân, sẽ được khởi động vào cuối tháng 6 tới.

Betsy Plum - giám đốc điều hành của nhóm vận động Riders Alliance đã hỗ trợ cho kế hoạch Better Buses Restart - đánh giá với Bloomberg rằng, việc khởi động lại kế hoạch cải thiện xe buýt cho thấy TP và tiểu bang đang xem xét các mối quan tâm của người sử dụng một cách nghiêm túc hơn.

"Đã có một số bài học kinh nghiệm đắt giá rút ra được thông qua lần triển khai ban đầu của kế hoạch dự thảo ở Queens" - bà Plum cho biết - "2 năm sau, có thể tiếp cận chúng theo một cách khác". Cũng theo Plum, nếu việc thiết kế lại sắp tới ở Brooklyn và Manhattan thuận lợi hơn, khung dự án cần phải được cải thiện.

"Thay đổi là điều khó khăn, khi bến xe buýt mà bạn có thể đã đi cả đời bị dời đi" - Plum giải thích, nhưng lưu ý rằng nếu thay đổi đó có lợi cho cộng đồng nói chung, lời kêu gọi công khai ban đầu cần phải phản ánh điều đó. "Thay vì để mọi người nghĩ rằng bản thân đang bị lấy đi một thứ gì đó, họ có thể cũng đang cho đi một thứ gì đó".

Đồng thời với việc thiết kế lại, New York cũng có kế hoạch xây dựng thêm nhiều đường xe buýt và làn đường dành cho xe buýt.

Một làn đường xe buýt trên Đại lộ 5, New York, được sơn sửa vào năm 2020. Ảnh: Bloomberg
Một làn đường xe buýt trên Đại lộ 5, New York, được sơn sửa vào năm 2020. Ảnh: Bloomberg

Hơn hết, giống như tàu điện ngầm, xe buýt của New York cũng bị mắc kẹt trong một "cuộc chiến quyền lực": cơ quan MTA của tiểu bang kiểm soát các tuyến đường và đội xe, trong khi cơ quan của TP là Bộ Giao thông Vận tải New York (DOT) phụ trách đường phố nói chung. MTA đã kêu gọi 96km làn xe buýt mới, nhưng cho đến nay TP mới chỉ cung cấp được khoảng 1/3 số đó, do áp lực từ các doanh nghiệp địa phương - chủ yếu là các nhà phát triển bất động sản.

Vào tháng 8 năm ngoái, các quan chức của DOT và MTA đã cam kết mở rộng khoảng 32km làn đường xe buýt mới hoặc cải tiến trong năm 2022, bao gồm tối đa 5 tuyến đường xe buýt mới thí điểm. Các quan chức của DOT cho biết, trọng tâm chính trong năm nay sẽ là quận Bronx, với việc ra mắt kế hoạch thiết kế lại vào tháng 6. Cơ quan cũng đang triển khai các dự án ưu tiên xe buýt ở Manhattan và Queens, và nhiều đường xe buýt đang được phát triển.

Cam kết hợp tác cũng bao gồm việc mở rộng công nghệ Ưu tiên tín hiệu phương tiện, giúp xe buýt có thời gian chờ đèn đỏ ngắn hơn, tại 750 nút giao thông mới vào năm 2022. Kể từ năm 2012, New York đã lắp đặt công nghệ này tại 1.700 nút giao thông.

Những người ủng hộ nói rằng triển vọng hợp tác là đầy hứa hẹn. Và một điểm khác biệt chính hiện nay là Kế hoạch Đường phố NYC - một văn bản ràng buộc pháp lý được thông qua vào năm 2019 cam kết TP sẽ đưa vào sử dụng khoảng 240km làn xe buýt vào năm 2026. Thị trưởng TP Adams gần đây đã công bố cam kết trị giá 904 triệu USD trong 5 năm tới cho kế hoạch này.

Nhưng một vấn đề được lưu ý là kế hoạch đang có nhiều tiền vốn - ở mức 580 triệu USD trong 5 năm - hơn là chi phí cho con người và nguồn lực để thực hiện chúng - ở mức 327 triệu USD trong 5 năm. Vì vậy, những người ủng hộ nói rằng họ đang theo dõi việc triển khai kế hoạch của TP một cách cẩn thận.

Một thực tế được chỉ ra đối với hệ thống xe buýt tại New York: Chậm không phải do xe buýt, mà là do tắc nghẽn xe cộ khác. Liam Blank, giám đốc chính sách và truyền thông tại Tri-State Transportation Campaign - một thành viên khác của Liên minh Xe buýt Quay vòng - nói rằng tìm cách ngăn ô tô ra khỏi hành lang chỉ dành cho xe buýt và xe tải là điều quan trọng để làm cho xe buýt công cộng thực sự hoạt động.

Một giải pháp để xử phạt vi phạm này là dựa trên camera, bao gồm hệ thống ABLE - được gắn trên xe buýt do MTA giám sát - và camera cố định trên đường phố do DOT quản lý.

Một cải tiến nữa là việc ra mắt hệ thống thanh toán không tiếp xúc (OMNY) cho tất cả các xe buýt và ga tàu điện ngầm vào đầu năm 2021, đã phá vỡ các dự đoán về lượng người dùng xe buýt tại New York. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất của OMNY đối với người đi xe buýt là tạo điều kiện để lên xe bằng tất cả các cửa, hiện đã bị đình trệ. Giám đốc điều hành MTA Janno Lieber bày tỏ lo ngại rằng vẫn chưa có đủ người đi xe buýt sử dụng công nghệ này, với chỉ khoảng 20% ​​đang khai thác.

Giờ đây, nỗ lực này đã gặp phải một trở ngại mới: Vào đầu tháng 5/2022, MTA khuyến khích các tài xế ngừng mở cửa sau tại các điểm dừng xe buýt, trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp hoặc ai đó bên trong chọn đi theo cách đó. Điều này được cho là nhằm chống nạn trốn vé, nhưng những người ủng hộ nói rằng những người đi xe buýt nói chung không nên cùng chịu sự bất tiện chỉ vì điều đó.

Nhìn chung, đây đều là những bài học kinh nhiệm mà các nhà khai thác vận tải ở Liên minh châu Âu, châu Á và các nơi khác trên thế giới dường như đã rút ra từ lâu: Những đổi mới như lên máy bay bằng tất cả các cửa, thanh toán tiền vé không tiếp xúc, các ứng dụng cho phép hành khách theo dõi tiến trình của họ.... là các tính năng tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vẫn còn hiếm ở các TP của Mỹ. Và ngay cả khi chúng được triển khai, chúng không phải lúc nào cũng hoạt động như dự kiến.

"Trải nghiệm của việc đi xe buýt tại New York vào năm 2022 là nó vẫn còn khó chịu và chậm chạp. Đây là năm để thay đổi điều đó" - bà Betsy Plum nói.