Theo đài RT, Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga), ông Vyacheslav Volodin, cảnh báo “một thảm kịch toàn cầu” có thể xảy ra với nhân loại nếu phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời tuyên bố Moscow sẽ trả đũa bằng vũ khí mạnh hơn nếu lãnh thổ của Nga bị đe dọa.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Telegram, ông Volodin chỉ ra rằng nếu quân Ukraine dùng các vũ khí do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cung cấp tấn công các mục tiêu dân sự của Nga hay các vung lãnh thổ của Nga thì phía Moscow sẽ đáp trả bằng vũ khí mạnh hơn.
Người đứng đầu Hạ viện Nga nhấn mạnh thêm rằng các nước phương Tây nên nhận thức rõ trách nhiệm của họ trong việc ngăn chặn nguy cơ xung đột như trên xảy ra.
Ông Volodin cũng cảnh báo rằng các nước phương Tây cần cân nhắc kỹ về công nghệ vũ khí của Nga, vì nếu các nước này tiếp tục viện trợ vũ khí và đẩy thế giới vào một cuộc thảm kịch toàn cầu thì đất nước của họ cũng có thể bị tiêu diệt.
Phát biểu trên của ông Volodin được đưa ra sau khi các thành viên của NATO có cuộc gặp tại Căn cứ không quân Ramstein của Mỹ ở bang Rhineland-Palatinate (Đức) ngày 20/1 để bàn về các gói viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Trước đó, tờ New York Times đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét hỗ trợ Ukraine các loại vũ khí có khả năng nhắm mục tiêu vào bán đảo Crimea.
Theo New York Times, các quan chức của Mỹ và Ukraine đang thảo luận về việc sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp, như hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS và xe chiến đấu bộ binh Bradley, để nhắm mục tiêu vào cầu Crimea do Nga kiểm soát. Đây là tuyến đường tiếp tế quan trọng nối bán đảo Crimea với lục địa Nga qua các thành phố do Nga kiểm soát như Melitopol và Mariupol.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ giấu tên cũng tiết lộ rằng, Tổng thống Joe Biden vẫn chưa sẵn sàng cung cấp cho Ukraine những hệ thống tên lửa tầm xa mà Kiev cần để tấn công Crimea. Hiện giới chức chính quyền Mỹ chưa bình luận về thông tin của tờ New York Times.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters hôm 22/1 đưa tin Đức nói rằng nước này sẽ không ngăn cản nếu Ba Lan muốn chuyển các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Berlin nếu Ba Lan chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine mà không cần sự đồng ý của Đức, người phát ngôn chính phủ Đức Annalena Baerbock ngày 22/1 cho biết: "Hiện tại, họ chưa đưa ra đề nghị này, nhưng nếu họ đề nghị, chúng tôi sẽ không ngăn cản".
Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Đức đã sẵn sàng "bật đèn xanh" cho các nước đồng minh chuyển xe tăng Leopard 2 do quốc gia này sản xuất cho Ukraine. Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, mọi quyết định viện trợ vũ khí sẽ đưa ra trên cơ sở phối hợp với các đồng minh, trong đó có Mỹ.
Những tuần qua, Đức chịu sức ép rất lớn về việc có chuyển xe tăng Leopard 2 cho Kiev hay không. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Scholz lo ngại những động thái đột ngột như viện trợ xe tăng có thể khiến xung đột Nga - Ukraine leo thang.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm Chủ nhật nói rằng ông hy vọng chính phủ sẽ sớm đưa ra quyết định. Mặt khác, ông Pistorius lưu ý, Berlin không muốn quyết định vội vã bởi có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc, như những hậu quả đối với sự an toàn của người dân Đức.
Theo nguồn thạo tin của Reuters, Berlin sẵn sàng cấp xe tăng cho Kiev với điều kiện Mỹ phải đồng ý viện trợ xe tăng Abrams của họ cho Ukraine trước. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đến nay khẳng định Washington chưa có kế hoạch như vậy.