Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga chuẩn bị cho một đỉnh cao đã qua?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính của quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng thu ngân sách thấp hơn, trong trường hợp nhu cầu dầu toàn cầu giảm sớm hơn dự kiến.

Ngân sách Nga phụ thuộc lớn vào nguồn thu dầu mỏ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga Vladimir Kolychev mới đây cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Moscow: "Rủi ro đang gia tăng trong dài hạn, khi doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch có thể thấp hơn triển vọng hiện tại. Thời kỳ đỉnh cao của sức mua toàn cầu có thể đã qua".
Bloomberg đánh giá, bình luận trên là sự thừa nhận hiếm hoi từ một quan chức cấp cao của Nga, rằng những ngày tháng tốt nhất có thể đã qua đối với nguồn thu năng lượng thúc đẩy nền kinh tế này.
Hồi tháng 10, Tổng thống Vladimir Putin vẫn lạc quan, khi khẳng định nhu cầu ngày càng tăng từ châu Á sẽ hỗ trợ xuất khẩu năng lượng của Nga trong những thập kỷ tới. Bộ Kinh tế nước này dự báo hồi tháng 3 rằng tiêu thụ dầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2045.
Tuy nhiên, theo ông Kolychev - một trong những "kiến ​​trúc sư" của cơ chế chuyển tiền thu được từ thuế năng lượng vào ngân quỹ của Nga, bộ Tài chính hiện đang cân nhắc mọi kịch bản cho các mức độ nhu cầu dầu khác nhau. Nhiều năm qua, Tổng thống Putin cũng đã hứa trong nhiều năm sẽ giảm sự phụ thuộc của Nga vào năng lượng hóa thạch, tuy nhiên lĩnh vực này vẫn chiếm 1/3 nguồn thu ngân sách.
Năm 2020 này đánh dấu sự suy giảm nhu cầu di chuyển do Covid-19, diễn ra đồng thời với những nỗ lực tăng cường chống lại biến đổi khí hậu nhằm thay đổi hoàn toàn triển vọng về nhu cầu nhiên liệu hóa thạch.
Hồi tháng 9, BP Plc đã trở thành tập đoàn dầu mỏ lớn đầu tiên thừa nhận rằng lượng tiêu thụ dầu có thể không bao giờ trở lại mức như trước đại dịch được nữa. Kể từ đó, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường cam kết chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Theo Bloomberg, Nga - quốc gia sản xuất dưới 1% điện năng từ năng lượng tái tạo - cho đến nay vẫn chậm chạp trong việc thích ứng với quá trình chuyển đổi, và vẫn đang đầu tư vào các dự án thăm dò dầu mới ở Bắc Cực.
Các nhà phân tích tại Trung tâm Năng lượng Skolkovo của Moscow hồi tháng 5 cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế Nga có thể bị giới hạn ở mức dưới 0,8%/năm trong 2 thập kỷ tới nếu đất nước không chuyển đổi để thích ứng.
Natalia Orlova, nhà kinh tế trưởng tại Alfa-Bank ở Moscow, cho biết: "Nền kinh tế Nga rõ ràng là chưa sẵn sàng cho sự chuyển dịch khỏi năng lượng hóa thạch. Chính phủ và DN hiện chưa thể định hình rõ hướng đi của Nga nếu nước này rời xa dầu mỏ".