Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga "đắc lợi" từ vụ tắc nghẽn kênh đào Suez?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Sự phát triển của tuyến đường biển phía Bắc phòng ngừa rủi ro về logistics và góp phần giúp cho thương mại toàn cầu bền vững hơn", phía Nga khẳng định.

Trong lúc hàng trăm tàu gồm nhiều tàu chở dầu mắc kẹt tại kênh đào Suez, Nga đã nhắc nhở châu Âu về lợi ích của các đường ống khí đốt và cơ hội lâu dài của tuyến đường biển phía Bắc (NSR) tới châu Á dọc theo bờ biển Bắc Cực, như một phương án thay thế trong tương lai. 
Trong năm 2020, 33 triệu tấn hàng hóa đã thông thương qua tuyến đường biển phía Bắc, trong khi kênh đào Suez vận chuyển hơn 3 triệu tấn hàng hóa mỗi ngày. Tuy nhiên với khối lượng thương mại ngày càng tăng, sự xuất hiện của các tuyến đường ngắn bổ sung để vận chuyển hàng hóa là thiết yếu, Bộ năng lượng Nga tuyên bố.
 Tàu phá băng và chở hàng của Nga hướng đến tuyến đường biển phía Bắc trong nỗ lực quảng bá đoạn giao thông này. Ảnh: TASS
Bộ Năng lượng Nga cũng khẳng định: "Tuyến đường biển phía Bắc có tiềm năng cao trong việc mở rộng khối lượng vận chuyển hàng hóa, cho phép cắt giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu".  
Trong khi đó Tập đoàn hạt nhân quốc gia Nga Rosatom - cơ quan phụ trách tuyến đường biển phía Bắc dự kiến ​​nhu cầu về tuyến đường này sẽ tăng lên sau sự cố Suez. 
“Sự phát triển của tuyến đường biển phía Bắc phòng ngừa rủi ro về logistics và góp phần giúp cho thương mại toàn cầu bền vững hơn. Chắc chắn các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ xem xét lại việc sử dụng kênh đào Suez trong kế hoạch chiến lược dài hạn của họ”, theo ông Vladimir Panov, Giám đốc về phát triển Bắc Cực tại Rosatom. 
Moscow cũng tận dụng cơ hội này nhắc nhở các thị trường năng lượng toàn cầu rằng họ còn cung cấp các chuyến vận chuyển dầu và khí đốt.
"Vị trí địa lý độc đáo của Nga mang lại cho nước này lợi thế tự nhiên trên thị trường năng lượng khi tiếp cận các thị trường tiêu thụ quan trọng, cũng như tốc độ cung cấp năng lượng", Bộ Năng lượng cho biết, đồng thời ca ngợi mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt rộng khắp của nước này, so sánh chúng với châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc về độ tin cậy và chi phí cạnh tranh.
Về dầu mỏ, sự cố tại kênh đào Suez vừa qua không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của nước này vì đây không phải là tuyến đường chính, nhưng mặt khác có thể gây thêm áp lực lên giá khí đốt giao ngay ở châu Âu.
Hãng tư vấn năng lượng Rystad cho rằng, lấy ví dụ Qatar, một trong những nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, gửi trung bình 5 chuyến khí hóa lỏng (LNG) đến châu Âu qua kênh đào Suez mỗi tuần, có 500.000 tấn nhiên liệu bị mắc kẹt ở Vịnh Suez tuần qua, thì Nga có thể dễ dàng bù đắp lượng khí đốt vào chỗ trống đó.