Nga đề xuất cấm mọi hoạt động của ICC

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm 25/3, Chính phủ Nga đề xuất cấm mọi hoạt động của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở nước này sau khi cơ quan trên đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin với cáo buộc liên quan đến chiến tranh ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các thành viên của Hội đồng Bảo an ở Moscow, Nga, ngày 24/3/2023. Nguồn REUTERS
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các thành viên của Hội đồng Bảo an ở Moscow, Nga, ngày 24/3/2023. Nguồn REUTERS

Vyacheslav Volodin, một thân cận của ông Putin, cho biết luật pháp Nga nên được điều chỉnh nhằm vào các hoạt động của ICC ở nước này và trừng phạt nghiêm khắc bất kỳ ai có liên quan đến cơ quan trên.

Ông cho biết: “Cần phải ban hành các điều khoản cấm mọi hoạt động của ICC trên lãnh thổ của chúng tôi”. Và để nhằm tăng sức thuyết phục cho đề xuất của mình, ông Volodin đã dẫn chứng việc Mỹ cũng từng ban hành luật nhằm ngăn chặn việc công dân nước này bị xét xử bởi tòa án Hague.

Ông nhấn mạnh rằng mọi hành vi hỗ trợ nào cho ICC bên trong lãnh thổ Nga đều phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật nước này.

Vào đầu tháng 3, ICC đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Putin với cáo buộc về việc ông đã trục xuất trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine và đưa ra cơ sở hợp lý buộc ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đáp lại động thái này của ICC, các quan chức Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ ông Putin sẽ đều là một lời tuyên chiến đối với cường quốc đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Lệnh bắt giữ của ICC đối với ông Putin xuất phát từ những nghi vấn liên quan đến việc trục xuất trái phép trẻ em và chuyển người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Liên bang Nga kể từ ngày 24/2/2022.

Về phía Nga, Điện Kremlin cho biết lệnh bắt giữ này chỉ là một quyết định mang tính đảng phái, nhưng hoàn toàn vô nghĩa đối với Nga. Đồng thời, các quan chức Nga phủ nhận những cáo buộc về tội ác chiến tranh ở Ukraine và nói rằng đó chỉ là những cáo buộc vô căn cứ mà phương Tây đưa ra.

Hiện Nga, Mỹ và Trung Quốc đều không phải là thành viên của ICC cũng như Quy chế Rome – gồm 123 quốc gia là thành viên, trong đó có Anh, Pháp, Đức và một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Tajikistan.

Tương như vậy, Ukraine không phải là thành viên của ICC. Tuy nhiên, Kiev đã trao cho tổ chức này quyền tài phán để truy tố các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của mình.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần