Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga đón tin bất ngờ về dự trữ ngoại hối bị EU phong tỏa

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Liên minh châu Âu đang cố gắng tìm cách vượt qua rào cản pháp lý để hợp thức hóa số tiền phong tỏa khổng lồ của Nga.

Rất khó để EU giữ tiền hoặc chuyển số tài sản Nga bị phong tỏa sang Ukraine. Ảnh: RT
Rất khó để EU giữ tiền hoặc chuyển số tài sản Nga bị phong tỏa sang Ukraine. Ảnh: RT

Tờ Die Welt của Đức ngày 13/4 đưa tin Ủy ban châu Âu (EC) kết luận, gần như chắc chắn sẽ phải trả lại các khoản dự trữ bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga.

Tờ này cho hay các quan chức Liên minh châu Âu (EU) biết rằng họ không thể giữ tiền hoặc chuyển số tài sản bị phong tỏa sang Ukraine. Việc hoàn trả có thể diễn ra khi kết thúc cuộc xung đột Nga - Ukraine dù phía Kiev đã kêu gọi được sử dụng số tiền này để tái thiết sau chiến tranh.

Theo bài báo, dù các lãnh đạo EU, gồm cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, công khai ủng hộ ý tưởng chuyển tiền cho Ukraine, nhưng việc thực hiện gần như bất khả thi vì một số lý do.

Ví dụ, tiền dự trữ bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga, được cho là có tổng trị giá 300 tỷ euro, nằm rải rác khắp châu Âu và thuộc nhiều tài khoản không có liên kết trực tiếp với Moscow. Do đó, EU không biết chính xác tất cả số tiền đó ở đâu.

Trong trường hợp nguồn tiền được xác định, vẫn rất khó để EU có được số tiền một cách hợp pháp và sử dụng hợp lý.

Tuy nhiên, thông tin cho rằng một số quan chức EU đang cố gắng tìm cách vượt qua các rào cản pháp lý. Một trong những đề xuất là dùng khoản dự trữ bị đóng băng của Nga để đầu tư rồi chuyển số tiền lãi cho Ukraine. Nếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ châu Âu, khoản dự trữ bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga có thể mang lại lãi suất lên tới 2,6% mỗi năm.

Một "biện pháp đặc biệt" như vậy có thể khả thi về mặt pháp lý nhưng vẫn rủi ro vì có thể thua lỗ.

Liên quan đến tài sản của các nhà tài phiệt Nga ở EU, Ủy ban châu Âu tin rằng một số cá nhân hiện đã lọt vào “tầm ngắm” của chính quyền nhưng trên thực tế, một số quốc gia thành viên EU dường như không còn mặn mà với việc theo dõi những tài phiệt này.

Ngay cả khi tất cả số tài sản được xác định cũng khó tịch thu bởi việc đó chỉ khả thi nếu chứng minh được các tỉ phú phạm tội, mà nỗ lực pháp lý như vậy có thể mất nhiều năm.

EU đã đóng băng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

Cuối tháng 3 vừa qua, EU thừa nhận việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để phục vụ mục tiêu tái thiết Ukraine sẽ gặp nhiều thách thức.

Anders Ahnlid, nhà ngoại giao Thụy Điển và là người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm EU phụ trách hoạt động thu giữ tài sản, thừa nhận EU sẽ phải sáng tạo trong cách tiếp cận để có thể giải quyết vấn đề này, bằng không đây sẽ là vấn đề vô cùng thách thức.

Trên thực tế, việc này gần như chưa có tiền lệ, ngoại trừ việc Mỹ tịch thu tài sản của Iraq vào cuối chế độ cựu Tổng thống Saddam Hussein.

Nga nhiều lần chỉ trích việc bị đóng băng tài sản và cảnh báo đáp trả nếu phương Tây tìm cách lấy các khoản tiền thuộc sở hữu của Nga và chuyển cho Ukraine.