Nga giành lợi thế tại Syria

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rạng sáng 27/2 (giờ địa phương), lệnh ngừng bắn tại Syria do Mỹ - Nga làm trung gian bắt đầu có hiệu lực, mở ra nhiều hy vọng vào một giai đoạn yên ổn hơn cho người dân tại quốc gia Trung Đông này.

Lệnh ngừng bắn nhằm giảm tình trạng bạo lực tại Syria, tiếp thêm cơ hội nối lại hòa đàm giữa chính quyền Damascus và các bên đối lập tại Geneva vào ngày 7/3 tới. Nếu lệnh ngừng bắn được các bên tuân thủ và thực thi theo đúng cam kết, đây sẽ là lần đầu tiên trong 5 năm, trên khắp lãnh thổ của Syria yên tiếng súng.
Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, cuộc khủng hoảng Syria tạm lắng.
Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, cuộc khủng hoảng Syria tạm lắng.
Tháng 10 năm ngoái, không ít người nghi ngại khi Nga tham gia cuộc chơi tại Syria mà không thông qua liên quân quốc tế. Tuy nhiên, những thắng lợi trên thực địa đã giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin chứng minh được sự lão luyện khi lựa chọn chính xác phương thức, thời điểm can thiệp vào Syria. Nga đạt được trong những tháng gần đây đã khiến tiếng nói của Mỹ cùng đồng minh Ả Rập Saudi không còn sức nặng như trước tại Syria. Với lệnh ngừng bắn này, Nga sẽ càng tăng vị thế khi chứng minh được vai trò của mình trong việc dẹp yên tiếng súng, điều chưa từng xảy ra ở Syria suốt 5 năm qua. Nhờ đó, áp lực hạ bệ đặt lên Tổng thống Syria Bashir al-Assad mà Moscow ủng hộ cũng sẽ giảm đáng kể. Chính quyền ông Assad, dưới sự chống lưng của Moscow còn có thể tận dụng cơ hội tiến hành bầu cử, ổn định chính thể, qua đó vô hiệu hóa những điều kiện chính trị từ Mỹ và phương Tây.

Mỹ gật đầu trước lệnh ngừng bắn với hy vọng sẽ kiềm chế được Nga khỏi tấn công vào phe chống đối tại Syria mà Washington cùng đồng minh hậu thuẫn để lật đổ chính quyền ông Assad. Nhiều quan chức phương Tây và các nhóm đối lập ở Syria cáo buộc Nga oanh kích chủ yếu nhằm vào các lực lượng nổi dậy mà Mỹ hậu thuẫn và coi là ôn hòa. Nhất là khi chiến dịch không kích của Nga đang áp đảo những mặt trận chiến lược như Aleppo. Nếu Washington không nhanh tay ngăn chặn quân đội Syria do Moscow hậu thuẫn áp sát và cô lập Aleppo, có khả năng quân nổi dậy tại đây, nếu không bị xóa sổ, thì cũng sẽ trở mặt, quay lại tấn công các lợi ích an ninh của Mỹ. Qua đây, Mỹ cũng tạm dập được ngòi nổ chiến tranh Nga – Thổ đã âm ỉ trong thời gian qua, gây bất lợi lớn khi Ankara vẫn là một thành viên của NATO.

Tuy nhiên, lợi thế này của Mỹ khá mong manh. Trên mặt trận ngoại giao, thỏa thuận ngừng bắn ẩn chứa nhiều lỗ hổng lớn mà Nga có thể khai thác. Ví dụ, Nga có thể lợi dụng điều khoản về đối tượng ngừng bắn để tiếp tục ném bom quân nổi dậy thân phương Tây dưới danh nghĩa không kích lực lượng khủng bố, khiến tiếng nói và ảnh hưởng của Mỹ ở Syria ngày càng sa sút. Theo chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế Reva Bhalla của Strategic Forecasting: “Mỹ từng chế giễu rằng Nga không rút ra được bài học lịch sử sa lầy ở Afghanistan, nhưng có lẽ trên chiến trường Syria, Mỹ và đồng minh phương Tây mới là bên cần phải rút ra bài học”.

Nhận được sự chấp thuận và thúc đẩy của cả Washington và Moscow cùng các cường quốc, nhưng có thể nói, lệnh ngừng bắn vẫn đem lại lợi thế hơn cả cho Nga ở mặt trận Syria. Và dù còn bị nghi ngờ với những "động lực ngầm", song theo đại sứ Liên Hợp quốc về Syria Staffan de Mistura, hiện nay, đây vẫn là “cơ hội tốt nhất” để chấm dứt cuộc khủng hoảng Syria.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần