Hãng tin AFP cho biết hiện có khoảng 2.000 người di cư, chủ yếu là người Kurd từ Trung Đông, đang mắc kẹt tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan trong điều kiện thời tiết lạnh lẽo. Ba Lan từ chối cho phép người di cư vượt biên. Nước này cáo buộc Belarus khuyến khích các di dân vượt biên qua Belarus để vào EU nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tại cuộc họp kín của HĐBA LHQ, Estonia, Pháp, Ireland, Na Uy, Mỹ và Anh đề cập tới cuộc khủng hoảng di cư này trong cuộc họp kín của nhóm.
"Chúng tôi lên án việc chế tạo công cụ nhằm phục vụ mục tiêu chính trị- trong đó cuộc sống và hạnh phúc của người dân Belarus bị đặt vào tình trạng nguy hiểm, với mục tiêu gây bất ổn cho các nước láng giềng và biên giới bên ngoài Liên minh châu Âu và chuyển hướng chú ý khỏi những vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng của chính nước này", tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp.
Binh sĩ Ba Lan canh gác tại khu vực biên giới Ba Lan - Belarus gần làng Kuznica, Ba Lan, hôm 11/11 - Ảnh: Reuters |
Theo đó, các nước mô tả cách tiếp cận của Belarus là "không thể chấp nhận", đồng thời cáo buộc Tổng thống Alexander Lukashenko trở thành mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực và kêu gọi một "phản ứng quốc tế mạnh mẽ" để buộc Belarus phải chịu trách nhiệm, đồng thời cam kết "thảo luận thêm về các biện pháp chung”.
Belarus cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể leo thang thành một cuộc đối đầu quân sự, trong khi Litva, Estonia và Latvia cho rằng Belarus là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu.
Mặt khác, tại họp báo trước thềm cuộc họp HĐBA, Phó Đại sứ Liên hợp quốc của Nga, Dmitry Polyanskiy khẳng định, các đồng nghiệp phương Tây "có khuynh hướng tự bạo khi nêu ra chủ đề này, điều khiến EU hoàn toàn xấu hổ”.
Khi được hỏi liệu Nga hay Belarus có hỗ trợ di chuyển những người di cư tới biên giới Ba Lan hay không, ông Polyanskiy hoàn toàn phủ nhận. Đồng thời ông cũng cho rằng không phải tất cả vấn đề đều cần bàn tay của HĐBA để có thể giải quyết.
Nga là nước có quyền phủ quyết trong hội đồng nên có thể bảo vệ Belarus khỏi mọi nỗ lực có thể áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc, theo ông Polyanskiy.
Đến nay, EU từ chối liên lạc trực tiếp với Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus. Hôm 11/11, ông Lukashenko cảnh báo nếu EU áp lệnh trừng phạt mới, Belarus sẽ có hành động đáp trả, trong đó có khả năng ngăn chặn vận chuyển khí đốt đến châu Âu.
Căng thẳng tại biên giới Ba Lan - Belarus diễn ra trong bối cảnh Belarus đối mặt một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây sau vụ nước này ép máy bay của Hãng Ryanair (Ireland) chuyển hướng để bắt giữ một nhà báo đối lập hồi tháng 5.