Nga loại phương Tây khỏi đàm phán với Ukraine

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - RT ngày 28/3 dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng không cần bất kỳ sự trung gian hòa giải nào của phương Tây trong các cuộc đàm phán với Kiev.

"Chúng tôi sẵn sàng cho ngoại giao một cơ hội. Đó là lý do tại sao chúng tôi nhất trí với các cuộc trao đổi, hiện đang nối lại ở Istanbul," ông Lavrov nói hôm 28/3.

Phái đoàn đàm phán Nga và Ukraine sẽ có vòng đàm phán thứ 5 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29-30/3.

Theo ông Lavrov, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine - đã và đang nỗ lực để đưa hai bên ngồi vào bàn đàm phán, nhưng không cần thiết phải đưa Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ vào tiến trình hòa bình này.

"Tôi không muốn chứng kiến bất kỳ nỗ lực ngoại giao con thoi nào từ phương Tây bởi những gì họ đã làm vào tháng 2/2014 ở Ukraine và tháng 2/2015 trong các thỏa thuận Minsk" - nhà ngoại giao hàng đầu của Nga nói.

Ông Lavrov cho rằng, thỏa thuận Minsk II đã đề xuất một lệnh ngừng bắn và "dọn đường" cho cải cách hành chính và chính trị ở Ukraine, cũng như quyền tự trị và bầu cử địa phương ở các nước cộng hòa nhân dân tự xưng tại Donbass. Tuy nhiên, phương Tây đã không thể thuyết phục Chính phủ Ukraine tuân thủ các cam kết của mình.

Phản ứng với điều này, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine cách đây 1 tháng, khi công nhận các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbass. Hiện Moscow yêu cầu Ukraine phải chính thức tuyên bố là quốc gia trung lập và không bao giờ gia nhập NATO, cùng một số yêu cầu khác.

Trong một diễn biến khác, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin cho biết yêu cầu của Moscow về việc Ukraine công nhận Nga sáp nhập bán đảo Crimea và độc lập ở vùng Donbass là "không thực tế".

"Đó là những lằn ranh đỏ với người Ukraine, vì Donbass và Crimea gắn liền với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chúng tôi và phần còn lại của thế giới không công nhận việc sáp nhập Crimea (năm 2014). Họ (phía Nga) thực sự nên đưa ra những yêu cầu khác," ông Kalin nói với CNN bên lề Diễn đàn Doha (Qatar) hôm 28/3.

Ông Kalim nói thêm rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi hai bên thống nhất những điểm mấu chốt để xúc tiến cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Khi được hỏi liệu ông Putin có lắng nghe quan điểm của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ hay không, người phát ngôn Ibrahim Kalin cho biết hai nhà lãnh đạo "có mối quan hệ lâu dài".

"Dĩ nhiên Tổng thống Putin lắng nghe quan điểm và đề xuất của Tổng thống Erdogan. Quý vị nên hiểu rằng Nga không tin tưởng phần lớn thành viên NATO. Nhưng phải có ai đó nói chuyện với phía Nga, người mà Moscow có thể tin tưởng. Nếu không, xung đột có thể kéo dài vài tháng hoặc vài năm," ông Kalin nói.