Kết quả này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Crimea, Ukraine mà còn tác động lớn đến cục diện quan hệ quốc tế.
Crimea đã “về nhà”
Theo Chủ tịch Ủy ban Trưng cầu dân ý Crimea Mykhaylo Malyshev, tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu đạt gần 83% - mức cao chưa từng thấy kể từ khi Ukraine độc lập. Trong số này, có tới 96,77% ủng hộ việc bán đảo này trở thành một phần của Nga, chưa đầy 3% số phiếu ủng hộ việc tiếp tục ở lại Ukraine với quyền tự trị lớn hơn và gần 1% là phiếu không hợp lệ. Các quan sát viên quốc tế cũng ghi nhận, không có trường hợp vi phạm nào trong cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Ngay sau khi kết quả sơ bộ được công bố, từ thủ phủ Simferopol đến TP cảng Sevastopol - nơi đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen, hàng vạn người thức trắng đêm để ăn mừng chiến thắng. Giữa rừng cờ Nga và cờ Crimea, những người Crimea không ngần ngại thể hiện tâm trạng phấn khích khi bán đảo này sẽ hợp nhất với Nga.
Hầu hết cử tri Crimea muốn bán đảo này gia nhập Liên bang Nga. Ảnh: AP
|
Trong khi đó, Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea Sergiy Aksyonov hân hoan tuyên bố "Crimea đã về nhà" và cho biết, chính quyền khu vực đã nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang Nga trong ngày 17/3. Nếu Moscow chấp nhận ý nguyện của chính quyền và người dân Crimea, việc sáp nhập vào Nga có thể mất một năm nhưng rất có thể tiến trình này sẽ diễn ra nhanh hơn.
Phản ứng mạnh mẽ của phương Tây
Tuy nhiên, trái với bầu không khí lễ hội tại Crimea, các mối quan hệ ngoại giao khu vực và toàn cầu trở nên căng thẳng hơn khi chính quyền mới tại Ukraine khẳng định, cuộc trưng cầu dân ý trên là hoàn toàn vi hiến. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso cũng tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp pháp, Liên minh châu Âu (EU) không công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu này và sẽ có phản ứng mạnh mẽ với Nga bằng các đòn trừng phạt kinh tế, ngoại giao.
Đáp lại những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt trên, trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga với người đồng cấp Mỹ Barack Obama cũng như với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Putin nhấn mạnh, cuộc trưng cầu ý dân ở Crimea đáp ứng đầy đủ với tiêu chí của Hiến chương Liên Hợp quốc và các cư dân Crimea đã được đảm bảo quyền tự do thể hiện ý chí và quyền tự quyết. Đồng thời, nêu tiền lệ tương tự khi Mỹ và EU năm 2008 đã công nhận việc Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia.
Như vậy, ý chí và nguyện vọng của người dân Crimea đã được thể hiện và sẽ được thực hiện trong tương lai không xa. Tuy nhiên, hồ sơ Crimea chắc chắn sẽ đi vào lịch sử thế giới với tư cách là một giai đoạn căng thẳng trong mối quan hệ Nga - phương Tây trong không gian hậu Xô viết và thử thách tài năng, bản lĩnh của người đứng đầu các nước có liên quan.
Hôm nay (18/3), Tổng thống Putin có bài phát biểu trước Quốc hội Nga về vấn đề Crimea. Theo kế hoạch, ngày 21/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) sẽ xem xét dự thảo luật để Crimea trở thành một phần của Liên bang Nga. |