Nga My Hạ giàu lên nhờ nghề truyền thống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nga My Hạ là một làng quê thuần nông thuộc xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, nơi có nghề truyền thống chế biến lương thực, thực phẩm (CBLTTP) lâu đời.

Ngoài phát triển nghề truyền thống, người dân Nga My Hạ  còn tận dụng phụ phẩm từ làng nghề để chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu nhập ổn định

Ai có dịp đến Nga My Hạ sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự sung túc của một vùng quê thuần nông. Các ngõ xóm được nối liền bằng những con đường bê tông với dọc hai bên là những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Để có được thành quả hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của nghề CBLTTP. Ngoài công việc đồng áng, từ xa xưa, người dân nơi đây đã biết tận dụng chính những sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra để phát triển nghề phụ, tăng thêm thu nhập. Với những sản phẩm chủ yếu như rượu, bún khô, mì, miến… Chẳng phụ công người, làng nghề đã mang lại cuộc sống ổn định, sung túc cho người dân Nga My Hạ từ bao đời nay.
Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Nga My Hạ đang xếp bún lên giàn để phơi.
Bà Nguyễn Thị Lý, thôn Nga My Hạ đang xếp bún lên giàn để phơi.
Hiện nay, thôn Nga My Hạ có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất, trung bình mỗi ngày làng nghề chế biến khoảng 30 tấn gạo tương đương trên 20 tấn bún, mì, miến khô thành phẩm. Với kinh nghiệm và uy tín làm nghề lâu năm, người dân nơi đây luôn thực hiện các khâu trong quá trình sản xuất từ chọn gạo ngon, dùng nước sạch, không dùng hóa chất tẩy rửa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, sản phẩm luôn được thị trường ưa chuộng. Hàng sản xuất đến đâu được thu mua hết đến đó.

Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mai cho biết: Làng nghề đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đã nâng mức thu nhập bình quân năm 2015 của toàn xã Thanh Mai lên 28 triệu đồng/người. Cũng nhờ tập trung phát triển làng nghề mà tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn luôn được đảm bảo, Nhân dân nhiệt tình tham gia đóng góp vào các chương trình xã hội hóa, xây dựng nông thôn mới.

Kết hợp chăn nuôi

Bên cạnh phát triển nghề truyền thống, người dân Nga My Hạ còn tận dụng những phụ phẩm từ sản xuất để chăn nuôi. Nước thải từ sản xuất và chăn nuôi được xử lý bằng hầm bioga, tạo ra năng lượng phục vụ sinh hoạt. Ngoài việc tăng thu nhập cho người dân, việc làm này còn góp phần cải thiện môi trường của làng nghề.

Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang mới được xây dựng, bà Nguyễn Thị Lý phấn khởi cho biết, từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất, với 3 lao động, mỗi ngày gia đình bà chế biến được 4 tạ gạo, thu nhập khoảng 600 ngàn đồng. Gia đình bà còn tận dụng vụn bánh, nước vo gạo để chăn nuôi thêm 40 con lợn. Nhờ đó, mỗi năm trừ hết chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực, thì làng nghề Nga My Hạ đang tồn tại những bất cập cần được quan tâm giải quyết. Hiện, các hộ sản xuất đều nằm lẫn trong khu dân cư, vì vậy tình trạng ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Việc xử lý nước thải bằng hầm bioga có hiệu quả nhưng ô nhiễm vẫn không thể xử lý triệt để. Ngoài ra tiếng ồn từ sản xuất liên tục ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Để đảm bảo môi trường làng nghề, trong thời gian tới, ngoài ý thức bảo vệ môi trường của người sản xuất, chính quyền địa phương cũng cần đầu tư nâng cấp lại hệ thống cống rãnh thoát nước. Bên cạnh đó, nâng cấp mạng lưới điện, tạo điều kiện cho người dân vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Có như vậy người dân mới yên tâm phát triển làng nghề, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.