70 năm giải phóng Thủ đô

Nga - Mỹ hợp tác chống IS: Vẫn còn bất đồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh về phòng chống khủng bố trong khuôn khổ Đại Hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) hôm 29/9 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới nhờ cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên trong vòng 2 năm qua giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin.

Sự xuất hiện của Tổng thống Nga Putin tại cuộc họp LHQ lần này có ý nghĩa vô cùng lớn về mặt chính trị. Đây là lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ ông xuất hiện tại cuộc họp Đại Hội đồng LHQ, và cũng là cuộc hội đàm trực tiếp với Tổng thống Mỹ trong vòng 2 năm trở lại đây. Việc 2 quốc gia vốn có nhiều khúc mắc trong quan hệ ngoại giao cùng bàn bạc về cuộc xung đột tại Syria và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẽ nên một viễn cảnh về sự chung tay giải quyết các vấn đề xung đột trên thế giới.

 
 Hội nghị thượng đỉnh về phòng chống khủng bố trong khuôn khổ Đại Hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) hôm 29/9 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới nhờ cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên trong vòng 2 năm qua giữa Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ vẫn chưa đem lại tiếng nói chung trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
Người đứng đầu Nga - Mỹ đều nhất trí về việc tìm kiếm một biện pháp ngoại giao nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria, cũng được cho là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư đang đổ về các nước châu Âu. Trong suốt 90 phút của cuộc hội đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladmir Putin đã đi đến thống nhất, các lực lượng quân sự của 2 nước sẽ thảo luận để tránh bị kéo vào cuộc xung đột ở Syria sau khi Nga đã điều một lượng quân tới nước này trong vài tuần qua. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ 2 nước vẫn bất đồng về vị trí của Tổng thống Syria Assad trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố IS. Tổng thống Obama cho biết, ông sẵn sàng hợp tác với Nga và Iran để chấm dứt cuộc nội chiến 4 năm ở Syria, khiến ít nhất 200.000 người đã thiệt mạng. Nhưng ông Obama cũng lên tiếng cáo buộc Tổng thống Assad là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

Ngược lại, Tổng thống Nga lại kêu gọi hợp tác với quân đội của Tổng thống Assad để chống lại các IS và kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế chống khủng bố lớn hơn. "Chúng tôi nghĩ rằng, từ chối hợp tác với Chính phủ Syria và lực lượng vũ trang đang dũng cảm chống khủng bố của nước này là một sai lầm rất lớn" - ông Putin cho biết trong cuộc hội đàm. Việc ông Putin cũng kêu gọi thành lập một liên minh chống khủng bố dấy lên lo ngại, liệu sẽ có thêm một cuộc “chạy đua” dưới danh nghĩa chống khủng bố giữa các liên minh này. Hiện tại quân đội của Mỹ, Pháp và các quốc gia đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar đã không kích lực lượng nhà nước IS. Đồng thời, việc Nga bổ sung thêm xe tăng và máy bay chiến đấu, làm tăng nguy cơ về cuộc đụng độ vô ý hoặc tình cờ giữa các lực lượng.

Các động thái này cho thấy, 2 cường quốc có khả năng vãn hồi tình hình cuộc xung đột nhận được sự quan tâm lớn của thế giới ở Syria, đều chưa muốn giảm tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích của mình tại quốc gia này. Và một khi các nước lớn còn chưa sẵn sàng gạt bỏ các bất đồng thì quyết tâm đạt tới mục tiêu chung vẫn chưa thể hiện thực hóa.