Nga, Mỹ lạc quan về đàm phán nhằm hồi sinh Thỏa thuận hạt nhân Iran

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức Nga và Mỹ cùng đánh giá có những tiến triển tại vòng đàm phán thứ 8 nhằm khôi phục Thỏa thuận thuận hạt nhân Iran vừa bắt đầu tại Vienna (Áo) hôm 27/12 vừa qua.

Theo hãng tin AFP, Đặc phái viên của Nga tại Liên Hợp quốc Mikhail Ulyanov, hôm 28/12 cho biết, quá trình đàm phán để khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) tại Vienna đang "có tiến triển không thể chối cãi" và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt "đang được thảo luận sôi nổi trong các cuộc gặp không chính thức".
 Toàn cảnh vòng đàm phán mới về khôi phục JCPOA giữa đại diện Iran và các cường quốc tại Vienna, Áo. Ảnh: AFP
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các bên tham gia cuộc đàm phán gián tiếp về việc khôi phục JCPOA tại Vienna có ý định tăng cường nỗ lực soạn thảo các văn kiện để giải quyết những vấn đề chưa đồng thuận giữa các bên.
Bộ này lưu ý thêm vòng đàm phán thứ 8 nhằm khôi phục việc thực thi đầy đủ JCPOA đã bắt đầu với cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân vào ngày 27/12 tại Vienna (Áo). "Ở giai đoạn này, quyết tâm chung là tăng cường nỗ lực soạn thảo các văn bản của toàn bộ 'gói' tài liệu cho thỏa thuận tương lai để đạt được các quyết định được cả hai bên chấp thuận trong thời gian ngắn" - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, hợp tác về vấn đề này sẽ tiếp tục được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả các cuộc họp của các nhóm công tác về dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran, các vấn đề hạt nhân và trình tự thực hiện thỏa thuận trong tương lai về việc khôi phục JCPOA.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 28/12 nói với các phóng viên ở Washington: “Có thể đã có một số tiến triển khiêm tốn. Ông Price nói thêm rằng hiện còn quá sớm để nói liệu Iran có quay trở lại các cuộc đàm phán về JCPOA với một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn hay không.
Trước đó, ngày 27/12, vòng đàm phán thứ 8 nhằm đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã bắt đầu tại Vienna. Nhà đàm phán Mỹ Rob Malley đang tham gia gián tiếp vòng đàm phán mới về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân đa phương tại Vienna.
Về phần mình, hãng thông tấn nhà nước IRNA hôm 28/12 trích tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết các cuộc đàm phán về JCPOA tại Vienna đang "đi đúng hướng". “Với thiện chí và sự nghiêm túc của các bên tham gia đàm phán, chúng tôi có thể sớm đạt được thỏa thuận liên quan đến thỏa thuận này” - ông Hossein Amir-Abdollahian nói.
Liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran, Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami hôm 25/12 khẳng định nước này không có ý định làm giàu urani quá 60% ngay cả khi đàm phán khôi phục JCPOA ký năm 2015 tại Vienna (Áo) không đạt kết quả và Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran. Theo ông Eslami, chương trình hạt nhân của Iran nhằm mục đích hỗ trợ nhu cầu năng lượng cho sản xuất công nghiệp của nước này, cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trong khi đó, tuyên bố chung được các cường quốc E3, gồm Anh, Đức, Pháp, đưa ra hôm 28/12 khẳng định các cuộc đàm phán để cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran đang ở giai đoạn "cấp bách". “Kho dự trữ tăng 60% của nước này đang đưa Iran đến gần hơn đáng kể với việc có nguyên liệu phân hạch, có thể được sử dụng cho vũ khí hạt nhân”- tuyên bố của các nhà đàm phán E3 nhấn mạnh.
Vòng đàm phán thứ 7 tại Vienna nhằm khôi phục JCPOA và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã kết thúc hôm 17/12 mà chưa đạt được đột phá. Các bên đạt nhất trí về hai dự thảo thỏa thuận bao gồm các điều khoản giải quyết những lợi ích của Iran.
Theo JCPOA được Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) ký năm 2015, Tehran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump quyết định rút Washington khỏi thỏa thuận do cho rằng JCPOA còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Về phần mình, Iran cũng thu hẹp dần các cam kết của nước này đối với thỏa thuận sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu thất bại./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần