Nga - Mỹ sẽ “bắt tay” chống IS?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những căng thẳng tại Syria dự kiến sẽ là nội dung bao trùm của cuộc gặp hiếm hoi giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga – Vladimir Putin trong 2 năm qua được tổ chức bên lề Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ) 2015.

Xem xét những khác biệt vốn có, Mỹ và Nga thậm chí không thể nhất trí về mục đích của cuộc gặp gỡ này. Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine và thuyết phục Moscow tới một kế hoạch hòa bình mong manh. Trong khi đó, Điện Kremlin cho rằng vấn đề Ukraine chỉ nên được nhắc đến khi thời gian cho phép, theo đó, Syria và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ là tâm điểm của cuộc hội đàm bên lề lần này.

Moscow lập liên minh riêng chống IS

Nga và Iran vốn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Mỹ và châu Âu cho rằng ông Assad là thủ phạm gây cuộc xung đột, đẩy 50% diện tích đất nước vào tay IS. Không chấp nhận một kế hoạch hòa bình tạo điều kiện cho ông Assad giữ chiếc ghế quyền lực, Washington chọn giải pháp chống lưng cho các nhóm đối lập “ôn hòa” để gây sức ép buộc ông Assad chấp nhận thương lượng và ra đi.

Tuy nhiên kế hoạch này có nguy cơ sụp đổ trước những can thiệp trên cả chính trường và chiến trường của Điện Kremlin. Trên thực tế, ngay từ khi cuộc nội chiến tại Syria manh nhan bùng nổ, Nga đã dành cho Tổng thống Assad sự ủng hộ trọn vẹn và không ngừng hỗ trợ lực lương quân đội chính phủ đối phó với các lực lượng đối lập.
Vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đã rất lâu Tổng thống Nga và Mỹ không gặp nhau.
Vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đã rất lâu Tổng thống Nga và Mỹ không gặp nhau.
Trong khi chương trình đào tạo và hỗ trợ lực lượng chống lại IS ở Syria tiêu tốn tới 500 triệu USD của Tổng thống Obama vấp phải nhiều chỉ trích về tính hiệu quả. Thậm chí trên thực địa, chương trình này đã gây hàng loạt sai sót đáng xấu hổ, nghiêm trọng nhất là vụ một nhóm tay súng sau khi đến Syria đã giao vũ khí cho tổ chức khủng bố Mặt trận Al-Nusra. Một nhóm vài chục tay súng khác đến Syria trước đó bị đánh tả tơi. Giới quan sát nhận định việc Mỹ và phương Tây thiếu một chiến lược hiệu quả ở Syria đã giúp IS trụ vững bất chấp các đợt không kích.

Ngay trước thềm Khóa họp Đại hội đồng LHQ, Điện Kremlin đã tăng nguồn lực ủng hộ lực lượng quân đội của chính phủ Syria và cho biết cùng Syria, Iran và Iraq thiết lập một cơ quan tình báo chung để chia sẻ thông tin và kế hoạch chống IS. Trả lời phỏng vấn kênh CBS News, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi các nước tham gia vào cuộc chiến chống IS do Moscow lãnh đạo.

Khó tìm tiếng nói chung

Washington từng đề nghị một cuộc đối thoại với Moscow vào đầu tháng nay về vấn đề Syria. Tuy nhiên, dù Moscow có chấp nhận, giới quan sát cho rằng hai bên vẫn khó tìm tiếng nói chung. Trong bối cảnh, Tổng thống Putin không hề tỏ ý muốn gia nhập liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu tại Syria, và Washington buộc tội Moscow tiếp tay cuộc khủng hoảng tại đây.

Tại cuộc gặp bên lề ngày 28/9, Tổng thống Obama dự kiến sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Syria mà Nhà Trắng nhận định có sự tiếp tay của Tổng thống Bashar Assad – một giới chức thân Nga. Trong khi đó, Tổng thống Putin sẽ bám vào luận điểm rằng quân đội Syria dưới trướng ông Assad thích hợp tham gia cuộc chiến chống IS, và do đó cần được củng cố trong thời gian tới.

Mặc dù giới quan sát cho rằng một bước đột phá sẽ khó diễn ra, giới chức Mỹ vẫn khẳng định cuộc gặp này sẽ đem tới tiếng nói chung – điều hiếm thấy kể từ khi Tổng thống Mỹ tuyên bố cô lập người đồng cấp Nga vì những can thiệp tại Ukraine.

Vấn đề càng phức tạp khi cuộc khủng hoảng tại Syria được coi là một trong những nguyên nhân then chốt, gián tiếp dẫn tới cuộc khủng hoảng di cư châu Âu. Hàng trăm ngàn người dân Syria để tránh các cuộc xung đột tại quê hương, đã tìm tới các quốc gia châu Âu để tị nạn với hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, số lượng người di cư tăng đột biến trong hơn 1 năm qua, kèm theo nhiều tệ nạn phát sinh như buôn người, di cư lậu, nguy cơ lực lượng IS trà trộn… đang làm đau đầu các nhà chức trách Lục địa già.

Trong một diễn biến liên quan, quân đội Pháp ngày 27/9 đã bắt đầu thực hiện các cuộc không kích IS ở Syria. Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định đây là biện pháp tự vệ cần thiết của Paris, bởi có nhiều bằng chứng cho thấy IS lên kế hoạch tấn công khủng bố phương Tây từ Syria, đồng thời cho rằng IS chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng di cư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần