Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga nói gì khi Anh ủng hộ tịch thu tài sản Nga để tái thiết Ukraine?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Nga tại Vương quốc Anh Andrey Kelin hôm 5/7 nói rằng việc Vương quốc Anh tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga sẽ làm tổn hại đến uy tín của London với tư cách là thủ đô tài chính thế giới.

Đại sứ Nga tại Vương quốc Anh Andrey Kelin. Ảnh::Tass
Đại sứ Nga tại Vương quốc Anh Andrey Kelin. Ảnh::Tass

"London là thủ đô tài chính lớn của thế giới. Vì vậy, nếu vương quốc Anh thực hiện việc tịch thu tài sản của Nga, thì điều này sẽ có tác động nghiêm trọng đến vị thế của London với vai trò là trung tâm tài chính hàng đầu” – hãng tin Tass dẫn phát biểu của Đại sứ Kelin với đài truyền hình Rossiya-24.

Đại sứ Kelin cho biết việc London tịch thu tài sản của Nga bị “đóng băng” chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân người Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng hiện không có cơ sở pháp lý cho những động thái như vậy ở Anh.

Trước đó, hôm 4/7, Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói rằng nước này  ủng hộ đề xuất tịch thu các tài sản của Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt để hỗ trợ tái thiết Ukraine và hiện đang xem xét vấn đề này.

Theo Ngoại trưởng Truss, việc chính phủ Anh thu giữ tài sản bị đóng băng của Nga "nhiều khả năng" cần thông qua một số luật nhất định, nhưng không bắt buộc phải như vậy. Nhà ngoại giao Anh ủng hộ việc chuyển số tài sản này cho những người Ukraine bị ảnh hưởng do chiến dịch quân sự của Nga.

Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 5 đã đề xuất một kế hoạch nhằm sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để giúp tái thiết Ukraine hậu chiến sự. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng động thái nói trên có thể sẽ không hợp pháp và có thể tác động tiêu cực tới uy tín của Mỹ, quốc gia được xem là nơi giữ tài sản an toàn nhất thế giới.

Hồi tháng 3, Mỹ đã công bố thành lập đặc nhiệm REPO nhằm thực thi các lệnh trừng phạt với Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2. Có nhiều nước đã tham gia REPO như Australia, Canada, Đức, Italia, Pháp, Nhật Bản, Anh và Ủy ban châu Âu.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 29/6 thông báo, lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia REPO đã phong tỏa 30 tỷ USD tiền thuộc về các cá nhân Nga trong danh sách trừng phạt, trong khi 300 tỷ USD tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang bị đóng băng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ trích việc tịch thu tài sản của Nga "làm thay đổi mọi quy tắc pháp luật". Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng ý tưởng tịch thu tài sản của Nga chuyển giao cho Ukraine là "hành vi đánh cắp".

Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis mới đây cũng thừa nhận, việc tịch thu tài sản của Nga để sử dụng phục vụ Ukraine cần được xem xét nghiêm túc đến vấn đề pháp lý.

Theo Tổng thống Cassis, châu Âu có thể đóng băng tài sản để tìm ra "chúng đến từ đâu" và liệu các tài sản này có liên quan đến chiến dịch của Nga ở Ukraine hay không. Ông Cassis cho rằng, quyết định sử dụng tài sản Nga phục vụ Kiev "sẽ là lý tưởng cho tình hình ở Ukraine", nhưng nó tạo tiền lệ cho "nhiều tình huống khác".