Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga nói rõ sự cần thiết phải điều chỉnh học thuyết hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga là cần thiết do sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc hạt nhân phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Ngày 29/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phiên bản cập nhật của học thuyết hạt nhân Nga đã được hoàn thiện và hiện trải qua các thủ tục cần thiết để trở thành luật, theo đài RT.

Theo ông Peskov, những thay đổi này là cần thiết do sự tham gia ngày càng tăng của các cường quốc hạt nhân phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraine.

“Những thay đổi [đối với học thuyết hạt nhân] đã sẵn sàng. Bây giờ những thay đổi này đang được chính thức hóa” - ông Peskov nói.

Quan chức Điện Kremlin cho rằng bất chấp những cảnh báo liên tục từ Moscow trong hai năm qua về nguy cơ leo thang, phương Tây “vẫn tiếp tục chính sách có thể gây ra hậu quả rất, rất tiêu cực cho tất cả mọi người”.

“Chúng tôi thấy rằng mức độ can dự của các quốc gia phương Tây [vào cuộc xung đột Ukraine] đang không ngừng gia tăng. Họ không có sự kiềm chế, họ tuyên bố ý định tiếp tục để đảm bảo chiến thắng cho Ukraine. Do đó, Nga phải đưa ra quyết định và chúng tôi phải sẵn sàng thực hiện” - ông Peskov giải thích thêm.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý rằng việc áp dụng trực tiếp học thuyết hạt nhân mới và thời điểm áp dụng sẽ do quân đội Nga quyết định.

Bình luận mới nhất được ông Peskov được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất cập nhật học thuyết hạt nhân của Nga theo hướng mở rộng các tình huống có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân từ Moscow.

Trong đó cho rằng hành động xâm lược chống lại Nga từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ nên được coi là “cuộc tấn công chung” có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân.

Ngoài ra, Moscow cũng sẽ “cân nhắc” sử dụng phản ứng hạt nhân nếu có “thông tin đáng tin cậy” về một cuộc không kích lớn do một quốc gia thực hiện nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc đồng minh thân cận nhất của Nga là Belarus.