Nga phá hủy hạ tầng năng lượng Ukraine, cả châu Âu sẽ "ngấm đòn"?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 6 tuần hứng chịu tên lửa Nga nhắm vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng năng lượng, người Ukraine đang bị dồn đến bờ vực khủng hoảng khi phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và nhiệt sưởi ấm giữa mùa Đông lạnh giá.

Người dân Kiev xếp hàng để lấy nước uống sau khi cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng bị tên lửa tấn công, ngày 24/11/2022. Ảnh: Reuters
Người dân Kiev xếp hàng để lấy nước uống sau khi cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng bị tên lửa tấn công, ngày 24/11/2022. Ảnh: Reuters

Theo Reuter, dự kiến tuyết bắt đầu rơi dày ở thủ đô Kiev từ ngày 27/11, kéo dài cho đến giữa tuần, với nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, hàng triệu người sống trong và xung quanh thủ đô của Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và nhiệt sưởi ấm.

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko hôm 25/11 cho biết, hơn 3 triệu người dân ở thủ đô Ukraine đã bị mất điện trong nhiều giờ liên tục, khi các kỹ sư nỗ lực sửa chữa các trạm biến áp và đường dây điện bị hỏng sau các cuộc tập kích bằng tên lửa mới nhất của Nga. Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng 6 triệu người dân trên toàn quốc đang sống trong tình trạng không có điện.

Nhà điều hành lưới điện Ukraine Ukrenergo hôm 26/11 cảnh báo, các nhà sản xuất điện chỉ có thể đáp ứng 3/4 nhu cầu tiêu thụ đối với người dân nước này. Tình trạng mất điện cũng được dự báo diễn ra trên toàn lãnh thổ Ukraine, vì vậy người dân cần phải sử dụng một cách hạn chế.

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal xác nhận khoảng một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã không thể hoạt động sau các đợt bắn phá của quân đội Nga. Bộ Năng lượng Ukraine cho biết, hệ thống điện cũ kỹ của nước này và công tác sửa chữa diễn ra khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây gián đoạn nguồn cung nhiệt, điện và nước tại Ukraine trong mùa Đông này.

Một người dần ông mua sắm ở trung tâm thương mại bị mất điện tại thủ đô Kiev, hôm 26/11. Ảnh: Reuters
Một người dần ông mua sắm ở trung tâm thương mại bị mất điện tại thủ đô Kiev, hôm 26/11. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Nga khẳng định lực lượng nước này không nhắm mục tiêu vào dân thường. Điện Kremlin nói rằng các cuộc tấn công của Moscow nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng là hậu quả của việc Kiev không sẵn sàng đàm phán. Đáng chú ý, Nga dường như chưa có dấu hiệu dừng lại, sau quyết định triển khai hơn 100 tên lửa và hàng chục máy bay không người lái tự hủy nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine hồi tuần trước.

Theo bà Victoria Voytsitska - cựu thành viên Quốc hội Ukraine, các mục tiêu tiếp theo của quân đội Nga có thể sẽ là các bộ phận của hệ thống phân phối khí đốt, cũng như các nhà máy vận hành hệ thống sưởi ấm tập trung tại các thành phố lớn, khiến hàng triệu người phải chịu cảnh giá lạnh đóng băng trong mùa Đông.

Giới phân tích quân sự cho rằng, việc tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine là một chiến lược khác của Moscow, nhằm làm chậm quá trình cung cấp vũ khí của phương Tây vào Ukraine và khiến người Ukraine thêm khủng hoảng, dần dần buộc chính quyền Kiev phải nhượng bộ.

The Washington Post dẫn lời Trung tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges nhận định, Moscow dường như đang cố biến Kiev và nhiều thành phố tại Ukraine trở thành nơi không thể sống được trong mùa Đông này, buộc người dân phải di tản sang châu Âu. Điều này sẽ gây áp lực từ dòng người tị nạn lên các chính phủ châu Âu, từ đó dồn áp lực lên Kiev.

Theo Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn, ước tính có khoảng 4,4 triệu người Ukraine đã được đăng ký trong hệ thống pháp luật với tư cách là người tị nạn trên khắp Liên minh châu Âu (EU). Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời của EU đã giúp nhiều người Ukraine có quyền “tiếp cận ngay lập tức” với các quốc gia thuộc khối này, vấp phải không ít phản ứng trái chiều. Chẳng hạn, nhiều nhóm địa phương vừa qua đã đệ đơn kiện Chính phủ Hà Lan về việc tăng ngân sách và tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần