Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga phản ứng gì trước thỏa thuận hợp tác 100 năm giữa Anh và Ukraine?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Moscow lo ngại về sự tham gia an ninh của các quốc gia tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ukraine, xem đây là mối đe dọa đối với Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bày tỏ sự quan ngại về một thỏa thuận an ninh mới giữa Anh và Ukraine vì có khả năng làm xuất hiện cơ sở hạ tầng quân sự liên quan NATO tại Ukraine.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng việc thiết lập các cơ sở này không đồng nghĩa với việc Ukraine gia nhập NATO, điều mà Moscow kịch liệt phản đối. Tuy nhiên, kế hoạch của Anh vẫn gây lo ngại đáng kể đối với Nga.

Quan chức Điện Kremlin cũng bày tỏ sự phản đối các tuyên bố của Anh rằng hợp tác quốc phòng của London với Kiev sẽ bao gồm sự hợp tác tăng cường về an ninh hàng hải gần biên giới Nga, bao gồm ở Biển Azov.

Ông Peskov nhấn mạnh rằng Biển Azov là vùng nội hải của Nga, do đó "tương tác giữa Ukraine và Anh không có thể xảy ra ở đó".

Cùng ngày, Đại sứ quán Nga tại Anh cũng ra tuyên bố phản đối chuyến thăm Ukraine của Thủ tướng Anh Keir Starmer, đặc biệt là việc ký kết thỏa  thuận hợp tác 100 năm giữa London và Kiev.

“Các kế hoạch hợp tác mới nhất giữa Moscow và Kiev là hành động khiêu khích đối với Moscow, đồng thời sẽ làm leo thang cuộc xung đột hiện tại” -  Đại sứ quán Nga tại London trả lời hãng tin Tass khi được yêu cầu bình luận về chuyến thăm Kiev của Thủ tướng Keir Starmer hôm 16/1 vừa qua.

Trước đó, ngày 16/1, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký thỏa thuận về “quan hệ đối tác 100 năm” nhằm “mở rộng và làm sâu sắc thêm mối quan hệ trên các lĩnh vực quốc phòng và phi quân sự, đồng thời tạo điều kiện cho các mối liên kết cộng đồng chặt chẽ hơn”.

Theo tiết lộ của London, thỏa thuận hợp tác lâu dài với Kiev, dài 15 trang, bao gồm các kế hoạch rộng lớn về phát triển cơ sở hạ tầng quân sự và hợp tác quốc phòng trong thế kỷ tới. Tài liệu này gợi ý khả năng thành lập các căn cứ quân sự ở Ukraine, với trọng tâm là điều chỉnh các sáng kiến ​​này theo các tiêu chuẩn của NATO để đạt hiệu quả tối đa.

Thỏa thuận cũng nhấn mạnh hợp tác hàng hải, đặc biệt là ở khu vực Biển Đen. Vương quốc Anh đã cam kết tăng cường khả năng tương tác của Ukraine với NATO trong lĩnh vực hàng hải thông qua các hoạt động hải quân chung, các chuyến thăm cảng và phát triển các căn cứ hải quân Ukraine.

Một phần khác của thỏa thuận đề cập đến các kế hoạch “tăng cường hợp tác về khả năng tấn công tầm xa”, hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp cũng như dự trữ vũ khí phức tạp để tăng cường khả năng “răn đe”.

Ngoài ra, London đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ quân sự hàng năm không dưới 3 tỷ bảng Anh cho đến ít nhất là năm 2031 và “trong thời gian cần thiết để hỗ trợ Ukraine”.

Vương quốc Anh là một trong những nước ủng hộ hàng đầu của Ukraine kể từ khi xung đột giữa Moscow và Kiev leo thang vào tháng 2/2022. London đã cam kết viện trợ quân sự và dân sự 12,8 tỷ bảng Anh (16 tỷ USD) cho Kiev và được cho là đã huấn luyện 50.000 quân Ukraine trên đất Anh.

Moscow đã chỉ trích gay gắt việc London tiếp tục ủng hộ Kiev như một dấu hiệu cho thấy chính phủ Anh “rõ ràng không tìm cách giải quyết xung đột”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó cho biết "Anh đang làm mọi cách có thể để khiến sự việc kéo dài, từ đó kéo dài nỗi đau khổ của người dân Ukraine".

Trong khi đó, một số báo cáo nói rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, có thể đề xuất triển khai quân đội phương Tây với tư cách là lực lượng gìn giữ hòa bình dọc theo khu phi quân sự giữa Nga và Ukraine. Kế hoạch được đồn đoán này được cho là sẽ loại trừ lực lượng Mỹ, thay vào đó dựa vào binh lính “châu Âu” hoạt động bên ngoài cơ cấu chỉ huy của NATO.

Chính quyền London vẫn thận trọng với ý tưởng gửi quân đội Anh tới Ukraine như một phần của lực lượng gìn giữ hòa bình như vậy, mặc dù Thủ tướng Starmer được cho là đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo The Telegraph.