Nga phản ứng khi Mỹ thông báo chuyển xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Nga tại Mỹ tuyên bố việc Mỹ cung cấp xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine cho thấy Washington không có mong muốn giải quyết cuộc xung đột hiện tại bằng giải pháp ngoại giao.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov. Ảnh: Tass

“Quyết định của Mỹ về việc chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Bradley cho Ukraine là "một sự xác nhận cho thấy phía Washington thậm chí không quan tâm đến rất nhiều lời kêu gọi của chúng tôi về việc cân nhắc đến những hậu quả có thể xảy ra đối với động thái nguy hiểm như vậy," Tass dẫn phát biểu của Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov.

Tuyên bố của nhà ngoại giao Nga nêu rõ: "Cuối cùng, mọi thứ ngày càng trở nên rõ ràng, vào năm 2014, Mỹ đã phát động một cuộc xung đột ủy nhiệm thực sự với Nga bằng cách ủng hộ những kẻ phát xít ở Kiev. Bất kỳ cuộc thảo luận nào về "bản chất phòng thủ" của các vũ khí được cung cấp cho Ukraine đều vô nghĩa".

Theo Đại sứ Nga tại Mỹ, chính quyền Mỹ đã tiết lộ về quyết định trên sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Đại sứ Antonov lưu ý thêm: "Cộng đồng quốc tế không thể phớt lờ sự thật rằng cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Thủ tướng Pháp Francois Hollande từng thừa nhận: Thỏa thuận Minsk đã cho Kiev có thêm thời gian để tăng cường khả năng quân sự. Từ mối quan hệ thân thiết giữa Washington và Berlin, chúng ta càng thấy rõ rằng phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ đã nỗ lực làm suy yếu Nga sớm hơn nhiều so với thời điểm ngày 24/2/2022".

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng tất cả hành động gần đây của Mỹ, trong đó có quyết định cung cấp gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev, bao gồm xe chiến đấu bộ binh Bradley, đã trực tiếp cho thấy Washington không có mong muốn giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 

Tuyên bố trên được Đại sứ Antonov đưa ra sau khi Mỹ và Đức thông báo sẽ cung cấp cho lực lượng Ukraine các phương tiện chiến đấu bộ binh.

Theo đài RT, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã  xác nhận sẽ hỗ trợ xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine.Thông tin này được công bố một ngày sau khi Pháp tuyên bố sẽ gửi "xe tăng hạng nhẹ" do phương Tây thiết kế tới Kiev.

Xe chiến đấu bộ binh Bradley  của Mỹ thực hiện tuần tra tại tỉnh Hasakeh, đông bắc Syria, vào ngày 20/4/2022. Ảnh: AFP
Xe chiến đấu bộ binh Bradley  của Mỹ thực hiện tuần tra tại tỉnh Hasakeh, đông bắc Syria, vào ngày 20/4/2022. Ảnh: AFP

Trong tuyên bố chung được Nhà Trắng và Thủ tướng Đức công bố tối 5/1, “Mỹ dự định cung cấp cho Ukraine xe chiến đấu bộ binh Bradley, trong khi Đức sẽ chuyển tới Ukraine xe chiến đấu bộ binh Marder”. “Cả hai nước đều có kế hoạch huấn luyện lực lượng Ukraine vận hành các xe chiến đấu trên" - thông cáo nêu rõ. 

Hiện vẫn chưa rõ số lượng phương tiện chiến đấu được gửi đến Ukraine là bao nhiêu và thời điểm chuyển giao là khi nào. 

Trước đó, ngày 5/1, tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức đưa tin về việc các nước chuyển giao phương tiện chiến đấu cho Ukraine. Theo đó, quyết định của Berlin về việc chuyển xe chiến đấu bộ binh Marder cho Kiev được đưa ra theo sự phối hợp với Mỹ và Pháp. 

Pháp hôm 4/1 thông báo sẽ gửi một số lượng không xác định xe chiến đấu bọc thép AMX-10 của nước này tới Ukraine. Người phát ngôn của chính phủ Pháp lưu ý, đây là lần đầu tiên xe tăng do phương Tây thiết kế được cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine.

Dù Bradley, Marder và AMX-10 đôi khi được gọi là "xe tăng hạng nhẹ" nhưng Bradley, Marder thường được gọi là xe chiến đấu bộ binh, còn AMX-10 là phương tiện chiến đấu bọc thép. 

Hiện chưa có quốc gia NATO nào có kế hoạch cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu chủ lực do phương Tây sản xuất. Ngày 4/1, một quan chức Mỹ giấu tên đã loại trừ việc chuyển giao xe tăng M1 Abrams cho Kiev.

Dù vậy, Mỹ, Đức và Pháp đều đã cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2/2022.

Moscow đã cảnh báo phương Tây rằng việc viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột, đồng thời khiến các quốc gia phương Tây trở thành những bên tham gia cuộc xung đột hiện tại.