Nga phản ứng mạnh khi Tòa hình sự quốc tế phát lệnh bắt ông Putin

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phản ứng trước việc Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin, Điện Kremlin khẳng định, Nga không công nhận thẩm quyền của ICC và coi các quyết định của cơ quan này là vô hiệu.

Ngày 17/3, Tòa án hình sự quốc tế phát lệnh bắt giữ ông Putin. Ảnh: AP
Ngày 17/3, Tòa án hình sự quốc tế phát lệnh bắt giữ ông Putin. Ảnh: AP

Giới chức Nga đã có phản ứng gay gắt với việc Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin và một quan chức Nga với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 17/3 tuyên bố các lệnh này "không có ý nghĩa" đối với Nga, kể cả từ "quan điểm pháp lý". Bà Zakharova nêu rõ trên trang Telegram: "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome về ICC nên chúng tôi không có nghĩa vụ gì với tòa này".

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói các quyết định của ICC là vô hiệu và Nga không công nhận thẩm quyền ICC. "Chúng tôi coi quyết định của ICC là hành động không thể chấp nhận được. Nga, cũng như một số quốc gia khác, không công nhận thẩm quyền của tòa án này. Theo đó, bất kỳ quyết định nào thuộc loại này đều vô hiệu đối với Nga về mặt pháp luật” Tass dẫn phát biểu của ông Peskov tại buổi họp báo hôm 17/3.

Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Đại diện Thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzya chỉ trích rằng việc ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin cho thấy sự thiên vị của cơ quan này khi sẵn sàng thực thi công lý một cách phi lý theo yêu cầu từ các nước phương Tây.

Đại diện Thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzya. Ảnh: AFP
Đại diện Thường trực của Nga tại LHQ Vassily Nebenzya. Ảnh: AFP

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng bác bỏ lệnh của ICC.

Theo hãng tin RT, hàng nghìn người dân ở các vùng Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson - 4 khu vực đã bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga hồi tháng 9/2022 - đã được sơ tán sang lãnh thổ Nga trong bối cảnh các lực lượng Ukraine cố tình pháo kích vào dân thường bằng vũ khí do NATO cung cấp.

Theo ICC, Tổng thống Putin "chịu trách nhiệm trực tiếp khi thực hiện hành vi trên", bao gồm các hành vi trực tiếp hoặc thông qua những người khác dưới quyền chỉ huy của mình, cũng như việc ông "không thực hiện quyền kiểm soát đúng đắn đối với các cơ quan dân sự và quân sự dưới quyền".

Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận rằng Washington không công nhận ICC, nhưng đồng ý với các tuyên bố của tòa này cho rằng Tổng thống Nga Putin đã "phạm các tội ác chiến tranh" ở Ukraine.

Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng hôm 17/3, ông nói rằng Tòa Hình sự quốc tế là có lý nhưng ông cũng chỉ ra rằng "vấn đề là, chúng tôi không công nhận tòa này trên bình diện quốc tế".

ICC được xây dựng theo mô hình các tòa án được Mỹ hậu thuẫn ở Nam Tư và Rwanda nhưng Mỹ đã rút khỏi tòa này vào năm 2002. Mỹ cũng thông qua một đạo luật cho phép sử dụng "tất cả các phương tiện cần thiết và thích hợp", bao gồm cả vũ lực, để phóng thích bất cứ người Mỹ nào hoặc công dân của một nước đồng minh nếu họ bị ICC bắt giữ.

Hiện cả Nga và Ukraine đều chưa phê chuẩn Quy chế Rome về thành lập ICC. Khoảng 45 quốc gia không công nhận thẩm quyền của Tòa Hình sự quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần