Trước đó, Bloomberg đưa tin Nga đã vỡ nợ nước ngoài khi không thanh toán khoản tiền lãi 100 triệu USD trái phiếu nước ngoài đến hạn vào đêm 26/6.
Do không thể trả tiền sau mốc thời gian này, Nga đã rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Hãng tin này nói đây là lần đầu tiên Nga vỡ nợ nước ngoài trong vòng một thế kỷ qua.
Phát ngôn viên Dmitry Peskov ngày 27/6 nhấn mạnh, những cáo buộc về việc vỡ nợ hoàn toàn không có cơ sở trong trường hợp này, vì khoản thanh toán cần thiết bằng ngoại tệ đã được Nga thực hiện đầy đủ hồi tháng 5, nhưng giao dịch đã bị chặn lại do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Moscow nhiều lần phản đối việc sử dụng thuật ngữ "vỡ nợ". Theo Bộ Tài chính Nga, nước này đã chỉ đạo các quỹ thực hiện thanh toán trước trái phiếu Eurobond nhưng người thụ hưởng chưa nhận được tiền do hành động của các trung gian tài chính nước ngoài, và sự kiện này không thể coi là sự cố vỡ nợ.
Giới phân tích đồng tình, những khó khăn xung quanh việc trả nợ công bên ngoài của Nga không phải là kết quả của chính sách kinh tế, mà do cuộc đối đầu địa chính trị với phương Tây trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thì gọi đây là "một vụ vỡ nợ chính trị, không phải về tài chính".
Cũng trong ngày 27/6, các lãnh đạo 4 trong 7 nước G7 - gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada - đã đề nghị cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Các nước phương Tây đã đưa ra một số vòng trừng phạt mới, bao gồm phong tỏa khoảng một nửa số vàng và ngoại hối dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, với số tiền tương đương khoảng 300 tỷ USD.