Theo hãng tin AP, Đại sứ Nga tại Belarus cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga được triển khai tại Belarus sẽ giúp tăng cường năng lực an ninh của Moscow.
"Vũ khí hạt nhân (của Nga) sẽ được triển khai tới biên giới phía tây của quốc gia đồng minh của chúng tôi và sẽ tăng cường năng lực an ninh của chúng tôi. Kế hoạch này sẽ được thực hiện bất chấp sự phản đối của châu Âu và Mỹ" - Đại sứ Nga tại Belarus Boris Grizlov nói với kênh truyền hình của Belarus hôm 2/4.
Đại sứ Grizlov cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của Tổng thống Vladimir Putin rằng, một cơ sở lưu trữ tại Belarus, nơi vũ khí hạt nhân của Nga được bố trí, phải được hoàn thành trước ngày 1/7.
Trong bài phát biểu thường niên trước quốc hội vào ngày 31/3, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc các quốc gia phương Tây "có âm mưu xâm chiếm và phá hủy" Belarus, do vậy vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ giúp nước này bảo đảm an toàn trước nguy cơ này.
Ông Lukashenko tuyên bố Belarus sẵn sàng tiếp nhận cả vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Belarus cáo buộc, các biện pháp cưỡng ép đơn phương về chính trị và kinh tế đang được thực hiện cùng với việc xây dựng tiềm lực quân sự ngày càng tăng của các nước láng giềng NATO ở gần biên giới của Belarus. Trước những tình huống này, cũng như tất cả các lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia, Belarus buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả để tăng cường an ninh và quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Belarus cũng khẳng định, việc cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus không trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai vũ khí chiến thuật của Nga tới Belarus, nói rằng một cơ sở đặc biệt dành cho vũ khí này sẽ sẵn sàng vào ngày 1/7. Moscow giải thích quyết định của mình được đưa ra sau khi London công bố kế hoạch cung cấp cho Kiev đạn uranium nghèo.
Người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus. Ông đảm bảo rằng thỏa thuận với Belarus không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của hai nước về không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nga cũng sẽ chỉ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, chứ không chuyển giao số vũ khí này cho Minsk.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản đối quyết định triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus của Moscow, coi quyết định này có liên quan đến một số "thất bại" trong cuộc gặp gần đây giữa ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Belarus có chung đường biên giới dài khoảng 1.250 km với các thành viên NATO Latvia, Litva và Ba Lan.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí sử dụng đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống nhắm mục tiêu để phục vụ một cuộc tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.
Kể từ khi xung đột giữa Ukraine và Nga nổ ra hồi tháng 2/2022, Belarus đã đóng vai trò là một đồng minh quan trọng nhất của Moscow trong khu vực. Kiev cáo buộc rằng các căn cứ quân sự, đặc biệt là các sân bay của Belarus gần khu vực biên giới Ukraine, đã được các máy bay chiến đấu của Nga sử dụng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine.