Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 17/1 công bố một kế hoạch phát triển các cảm biến trên không gian để phát hiện tên lửa của kẻ thù và khám phá các vũ khí trên không gian để bắn hạ tên lửa trước khi chúng có thể đe dọa đất liền Mỹ.
Tổng thống Trump cho biết mục tiêu của Chiến lược phòng thủ tên lửa mới là “đảm bảo có thể phát hiện và tiêu diệt bất cứ tên lửa nào phóng về phía Mỹ mọi lúc, mọi nơi”.
Theo báo cáo do Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ thực hiện, Nga và Trung Quốc đang phát triển tên lửa hành trình và tên lửa bội siêu thanh tiên tiến có vận tốc “đáng kinh ngạc” và quỹ đạo bay khó đoán, đủ sức thách thức các hệ thống phòng thủ hiện có.
Phản ứng trước việc chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược phòng thủ tên lửa mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/1 cho biết chính quyền Bắc Kinh bày tỏ sự bất bình và phản đối mạnh mẽ đối với bản báo cáo của chính quyền Mỹ.
"Báo cáo của Mỹ đầy những khái niệm lỗi thời của giai đoạn Chiến tranh lạnh. Tài liệu này phóng đại cuộc đối đầu địa chính trị và sự cạnh tranh của các cường quốc, và nhận định một cách vô lý về mối đe dọa từ Trung Quốc", người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với hãng tin Sputnik của Nga.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Bản đánh giá của Mỹ có thể gây tổn hại cho hòa bình và an ninh khu vực, ảnh hưởng đến quá trình giải trừ hạt nhân quốc tế, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và làm suy yếu sự cân bằng chiến lược và ổn định trên thế giới".
Phía Moscow cũng có những đánh giá lo ngại tương tự đối với Bản đánh giá năng lực phòng thủ tên lửa Mỹ vừa được ông Trump tiết lộ hôm 17/1.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo rằng "chiến lược này thực sự bật đèn xanh cho triển vọng của khả năng tấn công tên lửa trong không gian", so sánh nó với Chiến lược "Chiến tranh giữa các vì sao" (Star Wars) của cựu Tổng thống Ronald Reagan Sáng kiến quốc phòng.
Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi Washington suy nghĩ lại, rút lại kế hoạch và tham gia các cuộc đàm phán với Moscow để thỏa thuận về cách quản lý kho vũ khí tên lửa hạt nhân của thế giới.
“Trên thực thế, chiến lược này bật đèn xanh cho khả năng tấn công bằng tên lửa trên không gian”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
“Việc thực hiện những ý tưởng này chắc chắn sẽ dẫn đến sự khởi đầu của một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian, điều sẽ gây ra hậu quả tiêu cực nhất đối với an ninh và ổn định toàn cầu”.
Chiến lược "Chiến tranh giữa các vì sao" là sáng kiến phòng thủ tên lửa được đề xuất nhằm bảo vệ Mỹ khỏi bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân chiến lược đạn đạo. Khái niệm này được công bố lần đầu bởi Tổng thống Ronald Reagan vào ngày 23/3/1983.
Trong tuyên bố về chiến lược mới của Mỹ, Bộ Ngoại giao nói thêm: “Đây là một cuộc đối đầu công khai, và một lần nữa chứng minh rằng Washington đang cố gắng bảo đảm cho mình quyền lực quân sự vô song trên thế giới”.
Nga và Trung Quốc, hiện đang đẩy mạnh hợp tác quân sự trong những năm gần đây, đã chỉ trích Mỹ muốn theo đuổi chiến lược thống trị toàn cầu với việc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự.