Tuần trước, sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt với 5 quan chức Triều Tiên liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo, Mỹ cũng đã tiến hành một chiến dịch trong nội bộ Hội đồng Bảo an để mở rộng lệnh trừng phạt với những quan chức trên.
Triều Tiên hôm 20/1 cho biết sẽ tăng cường khả năng phòng thủ chống lại Mỹ và ám chỉ việc nối lại các vụ thử tên lửa. Lần gần nhất Triều Tiên thử tên lửa là vào ngày 17/1. Đây cũng là vụ thử nghiệm tên lửa thứ 4 của nước này chỉ trong tháng 1/2022.
"Các vụ phóng này thể hiện quyết tâm của Triều Tiên trong việc theo đuổi chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo bằng mọi giá" - tuyên bố chung của các đại diện Mỹ, Albania, Brazil, Pháp, Ireland, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Anh và Nhật Bản tại Liên Hợp quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nói với các thành viên trong Hội đồng Bảo an rằng nước này cần thêm thời gian để nghiên cứu đề xuất trừng phạt. Trong khi đó, Nga cho biết cần thêm bằng chứng để ủng hộ yêu cầu của Mỹ.
Bắc Kinh và Moscow đã từ lâu giữ quan điểm phản đối gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng, thậm chí yêu cầu giảm nhẹ các lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên vì lý do nhân đạo.
Theo các quy tắc hiện hành của Liên Hợp quốc, thời gian ngăn chặn sẽ kéo dài trong 6 tháng. Sau đó, một thành viên khác của Hội đồng Bảo an có thể gia hạn ngăn chặn thêm 3 tháng và 1 ngày, trước khi đề xuất bị loại vĩnh viễn khỏi bàn đàm phán.