Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga - Ukraine sẽ “đóng băng” cuộc xung đột quân sự?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia quân sự cho rằng đã đến lúc Ukraine phải lựa chọn tiếp tục chiến đấu hay tìm giải pháp khác như "đóng băng" chiến sự.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang giai đoạn mới vào mùa Hè này khi Kiev bắt đầu chiến dịch phản công, với hy vọng lật ngược thế cờ của chiến sự đã kéo dài gần 18 tháng. 

Chiến sự Ukraine sẽ kéo dài

Hai tháng sau cuộc phản công rất được mong đợi của Kiev, giới chức phương Tây đã nhận được những đánh giá ngày càng thiếu lạc quan về khả năng Ukraine có thể giành lại các vùng đất của họ, các quan chức cấp cao phương Tây tiết lộ với CNN hôm 8/8.

Xe tăng của quân đội Ukraine  gần chiến tuyến ở vùng Kharkiv, ngày 15/6/2023. Ảnh: Getty
Xe tăng của quân đội Ukraine  gần chiến tuyến ở vùng Kharkiv, ngày 15/6/2023. Ảnh: Getty

“Ukraine vẫn sẽ đẩy mạnh chiến dịch trong vài tuần tới. Nhưng để thực sự đạt được bước tiến có thể thay đổi cán cân của cuộc xung đột này, tôi nghĩ điều đó sẽ khó xảy ra” - một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây cho hay.

Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Quigley cho biết Washington thừa nhận những thách thức của Kiev trong chiến dịch phản công, đồng thời nói rằng đây là thời điểm khó khăn nhất của cuộc chiến.

Trên mặt trận trải dài gần 1.000km, lực lượng của Ukraine đối mặt với sự phòng thủ kiên cố mà Nga đã thiết lập vào mùa Đông năm ngoái khi Kiev chờ các đồng minh cung cấp vũ khí hạng nặng.

Đến nay, rõ ràng cuộc phản công quy mô của Ukraine không dễ dàng và không đảm bảo sẽ thành công. Theo các chuyên gia quân sự, điều này có nghĩa chiến sự tại Ukraine có thể kéo dài vài năm nữa và các đồng minh sẽ phải rót thêm hàng tỷ USD để hỗ trợ cho Kiev.

Tướng về hưu Richard Barrons - cựu chỉ huy của Bộ chỉ huy lực lượng chung của Anh, nhận định với đài CNBC rằng với quy mô lực lượng mà Kiev có, họ sẽ không đẩy lùi được Nga ra khỏi lãnh thổ trong năm 2023. 

Đến cuối năm nay, cả Moscow và Kiev sẽ vẫn hy vọng rằng họ có thể đạt được nhiều hơn bằng chiến tranh.

"Nga vẫn quyết thực hiện các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Trong khi đó, Ukraine vẫn còn ý chí chiến đấu và quyết không từ bỏ lãnh thổ đã bị chiếm đóng. Và chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến kéo dài đến năm 2024 và có thể là năm 2025" - tướng Barrons dự đoán. 

Theo ông Barrons, số tiền mà các nhà tài trợ cần đổ vào Ukraine có thể lên đến 100 tỷ USD mỗi năm.

Một trong những mục tiêu chính của Ukraine hiện tại là phá vỡ "cây cầu trên đất liền" từ phía biên giới Nga đi qua phần bị chiếm đóng ở miền Nam Ukraine đến bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Tuy nhiên, đó là khu vực mà Nga tập trung phòng thủ mạnh nhất.

Trong khi đó, Nga vẫn kiên quyết giữ phần lãnh thổ đã kiểm soát với niềm tin rằng tinh thần chiến đấu của Ukraine sẽ kiệt quệ, và phương Tây sẽ không còn hào hứng chi tiền cho Kiev.

Chuyên gia quân sự Nick Reynolds tại Viện nghiên cứu quốc phòng Royal United Services có trụ sở tại London, nói rằng không có gì ngạc nhiên khi cuộc phản công của Kiev gặp nhiều khó khăn.

“Quân đội Ukraine đối mặt một thách thức ghê gớm trong chiến dịch phản công hiện tại, đó là phải vượt qua hệ thống phòng thủ kiên cố được lực lượng Nga đã xây dựng trong nhiều tháng qua. Hơn nữa, lực lượng không quân Ukraine không thể hoạt động tại khu vực phòng thủ của Nga” - ông Reynolds nói với CNBC.

Mong manh cơ hội đàm phán hòa bình

Giới phân tích quân sự cho rằng cuộc phản công của Ukraine sẽ không đem lại đột phá trong năm nay, nhưng sẽ có một số thành quả đủ để thuyết phục các nước phương Tây tiếp tục viện trợ cho đến năm 2024, và có thể kéo dài hơn.

Như cách nhận định của bà Jamie Shea - cựu quan chức cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chuyên gia quân sự tại Chatham House. "Ít nhất Ukraine sẽ đạt một số thành công đáng kể để thông báo với NATO và Mỹ rằng “Thật tiếc là đã không thành công như mong muốn, nhưng với số vũ khí được cung cấp, chúng tôi đã đối phó hiệu quả với lực lượng Nga. Vì vậy, phương Tây có thể tiếp tục hỗ trợ tài chính và quân sự cho mục tiêu vào mùa xuân 2024'".

Tuy nhiên, theo bà Shea, nếu cuộc phản công rơi vào bế tắc, tức Ukraine chỉ giành lại rất ít lãnh thổ và chịu thương vong lớn, nó có thể làm tăng chỉ trích và phản đối từ nội bộ các nước phương Tây về việc tiếp tục tài trợ cho Kiev.

Cuộc phản công của Ukraine khó có thể tạo đột phá trong năm nay. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine
Cuộc phản công của Ukraine khó có thể tạo đột phá trong năm nay. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Trong khi đó, khả năng đạt được hòa bình giữa Ukraine và Nga trên bàn đàm phán vẫn rất mong manh. 

Các quan chức cấp cao hơn 30 quốc gia vừa có cuộc gặp tại thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi vào tuần trước để thảo luận về những nguyên tắc có thể chấm dứt cuộc chiến. Dù vậy, Nga không được mời tham dự cuộc họp hòa bình Ukraine.

Theo ông Barron, sẽ đến lúc Kiev phải lựa chọn tiếp tục chiến đấu hay tìm giải pháp khác, như "đóng băng" chiến sự, giống như cách mà Triều Tiên và Hàn Quốc đã làm. 

Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) chỉ ngừng lại bằng một hiệp định đình chiến, khiến hai miền bán đảo trên danh nghĩa vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.