Nga và Ukraine cùng phản ứng mạnh trước đề xuất của Ba Lan về Crimea

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điện Kremlin chỉ trích đề xuất của Ba Lan về việc tổ chức cuộc  trưng cầu dân ý lần hai về tình trạng của Crimea. Trong khi đó, Ukraine khẳng định vấn đề thỏa hiệp lãnh thổ bán đảo Crimea là điều không thể chấp nhận.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Theo đài RT, Nga đã phản ứng mạnh mẽ trước đề xuất của Ba Lan về việc đặt bán đảo Crimea dưới sự quản lý của Liên hợp quốc (LHQ) trong 20 năm.

"Lãnh thổ và các khu vực của Nga không thể là chủ đề của bất kỳ cuộc thảo luận nào hoặc chuyển giao cho bất kỳ ai" - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 20/9.

Ông Peskov cho rằng đề xuất của Ba Lan về việc đặt Crimea dưới sự ủy nhiệm của LHQ để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về tình trạng của khu vực này sau 20 năm là "vô lý".

Trước đó, hãng thông tấn Interfax-Ukraine hôm 19/9 đưa tin, tại hội nghị thường niên Chiến lược châu Âu Yalta (YES) ở Kiev, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã đề xuất chuyển giao bán đảo Crimea theo lệnh của LHQ để "chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý công bằng" về tình trạng của bán đảo. 

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. Ảnh: Reuters

Ông Sikorski nhấn mạnh rằng Crimea có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với Nga và Tổng thống Vladimir Putin. Nhưng Crimea cũng có giá trị chiến lược đối với Ukraine.

"Do đó, tôi không thấy họ có thể đạt được thỏa thuận như thế nào nếu không phi quân sự hóa Crimea. Chúng ta có thể chuyển giao nó theo lệnh của LHQ với nhiệm vụ chuẩn bị một cuộc trưng cầu dân ý công bằng sau khi xác minh những người cư trú hợp pháp là ai..." - Ngoại trưởng Ba Lan nói, đồng thời nhấn mạnh thủ tục này có thể kéo dài trong 20 năm.

Sau đề xuất của Ngoại trưởng Ba Lan về bán đảo Crimea, nhiều quan chức Nga cũng đã lên tiếng.

"Cư dân Crimea đã trở về Nga một thập kỷ trước và không cần những kẻ can thiệp phương Tây như Sikorski" -nhà lập pháp Nga Leonid Ivlev nói với các phóng viên hôm 20/9. Vị cựu chuẩn tướng Không quân thậm chí còn đề xuất giả định đưa Tây Ba Lan trở thành lãnh thổ ủy trị của LHQ thay vào đó.

"Crimea là lãnh thổ của Nga một cách lịch sử và hợp pháp, chúng tôi sống trên đất của chính mình" - ông Ivlev nói. "Người Ba Lan không thể nói điều tương tự. Ông Sikorski nên nhớ rằng Phổ, Silesia, Pomerania, Đông Brandenburg, và thành phố tự do Danzig đã được Stalin chuyển giao cho Ba Lan. Có lẽ chúng ta nên đưa những vùng đất Đức cũ này dưới sứ mệnh của LHQ và sau đó tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến ở đó" –  nghị sĩ Nga gợi ý.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 19/9 cũng đã công khai bác bỏ đề xuất này, nhấn mạnh rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine "không thể là chủ đề để thảo luận hoặc thỏa hiệp". Điều này được lực lượng vũ trang Ukraine, các đối tác phương Tây ủng hộ, Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ: "Crimea là trung tâm của cấu trúc an ninh châu Âu. Việc tái thiết chỉ có thể thực hiện được sau khi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, được giành lại hoàn toàn".

Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, Kiev mong đợi sự hỗ trợ từ các đối tác để buộc Nga phải rút khỏi Crimea. "Mọi nỗ lực phải hướng tới đạt được những mục tiêu này càng sớm càng tốt. Không thể đáp ứng các yêu cầu của Nga bằng cách gây tổn hại đến lợi ích củan Ukraine,” tuyên bố nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Ukraine không giải thích lý do vì sao Kiev bày tỏ sự phẫn nộ nhưng tuyên bố được đưa ra ngay sau bình luận của Ngoại trưởng Ba Lan, tờ Ukrainska Pravda đưa tin.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ Ukraine sau khi nói rằng Kiev có thể không bao giờ lấy lại được Crimea. Đáp lại lời chỉ trích trên, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski cho biết "Ba Lan công nhận nền độc lập của Ukraine trong phạm vi biên giới quốc tế của mình".

Bán đảo Crimea lịch sử của Nga đã được nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954 và đã được Kiev tuyên bố là thuộc về họ sau khi độc lập vào năm 1991.

Cư dân Crimea và TP Sevastopol đã bỏ phiếu một cách áp đảo để gia nhập Nga vào tháng 3/2014, ngay sau khi cuộc đảo chính Maidan lật đổ chính phủ Ukraine ủng hộ các nhà dân tộc chủ nghĩa.

Chính quyền Kiev vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với Crimea, cũng như các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, tỉnh Kherson và Zaporozhye, đã gia nhập Nga vào tháng 9/2023.

Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ giành lại bán đảo Crimea. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, xung đột bắt đầu ở Crimea thì cũng sẽ kết thúc ở Crimea, ngầm ý rằng Kiev sẽ bằng mọi cách giành lại quyền kiểm soát bán đảo này từ Nga.

Tổng thống Zelensky cũng đưa ra công thức hòa bình 10 điểm trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường biên giới lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea. Moscow khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev nhưng với điều kiện Ukraine phải "chấp nhận tình hình thực tế".

Về phần mình, Moscow nhiều lần nói rằng không có vùng lãnh thổ nào trong số này là chủ đề đàm phán. Nga cho đến nay chưa kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ đã tuyên bố sáp nhập, trong khi Ukraine và phương Tây phản đối động thái của Moscow.

Bán đảo Crimea liên tục trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái và tên lửa của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng vào tháng 2/2022. Thành phố cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, cũng bị tấn công bằng máy bay không người lái và xuồng cảm tử.