Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngăn chặn nạn mạo danh bác sĩ để quảng cáo thuốc

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên mạng xã hội hiện nhan nhản những dạng quảng cáo thuốc thổi phồng tác dụng.

“Nhà sản xuất” nào cũng cho thuốc của mình là tốt nhất, chữa dứt điểm những căn bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, xoang…, thậm chí là ung thư.

Đây là điều khiến những công ty sản xuất và phân phối dược phẩm chân chính đau đầu. Các quảng cáo thổi phồng tác dụng sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng thường của những nơi có địa chỉ không rõ ràng, hoặc chưa được cấp phép quảng cáo, lại “chiếm sóng” trên hầu hết các trang mạng xã hội. Điều này sẽ đánh lừa được những người nhẹ dạ, cả tin bỏ tiền ra mua thuốc uống và tiền mất, tật mang.

Dư luận đã than phiền rất nhiều về chuyện các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thuốc không đúng sự thực. Dư luận cũng “kêu trời” vì bị các nhà xản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng tự ý dùng hình ảnh bác sĩ (thường là nổi tiếng) để đánh lừa người xem. Chính những bác sĩ bị lợi dụng hình ảnh cũng cảm thấy bất bình nhưng không biết kêu ai.

Mới đây trên trang cá nhân, BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Giáo sư Nguyễn Lân Việt đã nhiều lần khẳng định bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo loại thuốc uống điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp. Vậy nhưng mấy ngày nay, tôi luôn nhận được tin nhắn hỏi về vấn đề này, nguy hiểm hơn là ngay cả các bác sĩ cũng “bán tín bán nghi”.

“Chúng ta biết tăng huyết áp là bệnh phổ biến trên thế giới (các nghiên cứu cho thấy con số lên đến hơn 20% dân số mắc tăng huyết áp). Tăng huyết áp được phân loại thành tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Khoảng 90 - 95% số ca là tăng huyết áp nguyên phát, được định nghĩa là các trường hợp không xác định được bệnh nguyên gây tăng huyết áp rõ ràng (vô căn); 5 - 10% có nguyên nhân như hẹp động mạch thận, u thượng thận… Có thể chữa khỏi tình trạng tăng huyết áp thứ phát nếu giải quyết được nguyên nhân.

“Như vậy khi đã chẩn đoán tăng huyết áp vô căn có nghĩa là cần phải dùng thuốc lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có một loại thuốc chữa dứt điểm tăng huyết áp vô căn thì chắc chắn sẽ được trao giải Nobel Y học!!!
“Chính vì vậy xin khẳng định: Chúng tôi - những bác sĩ chuyên khoa tim mạch không bao giờ quảng cáo cho các thuốc chữa dứt điểm bệnh tăng huyết áp vô căn. Xin ngừng chia sẻ các quảng cáo vô cùng nguy hiểm này. Tôi cũng đã báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo pháp luật”.

Mới đây, chúng tôi còn đọc một quảng cáo trên mạng xã hội với lời lẽ đao to búa lớn, mắng chửi các bác sĩ và nền y học hiện đại rằng họ vô dụng và cam đoan sẽ chữa hết bệnh nếu người bệnh làm theo chỉ dẫn của mình (!?).
Mong các bác sĩ hãy chuyển những vụ việc mạo danh bác sĩ để quảng cáo thuốc đến cơ quan chức năng giải quyết.

Cũng mong người dân hãy tin vào y học chính thống (y học hiện đại, y học cổ truyền) để được khám - chữa bệnh khi cần; không nên nghe những lời quảng cáo thuốc thổi phồng tác dụng, đặc biệt là mạo danh các thầy thuốc nổi tiếng.