Ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng.

Tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng

Chiều 8/6, tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho biết: Tội phạm công nghệ cao có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là vấn đề lộ, lọt thông tin về cá nhân, về tài khoản, các đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Đặc biệt tại Thái Nguyên có một vụ án liên quan đến các đối tượng đã xâm nhập vào tài khoản đánh cắp tiền trong tài khoản, gây khó khăn trong quá trình điều tra.

Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên)
Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên)

Đại biểu đặt câu hỏi Thống đốc có giải pháp gì để đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân cũng như giải pháp để giảm thiểu loại tội phạm này, đặc biệt trong thời gian tới đây việc phối hợp với Bộ Công an tích hợp tài khoản thẻ căn cước để thanh toán tiền?

Trả lời câu hỏi các đại biểu về tình hình tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, an toàn thông tin tại Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Tại Việt Nam đã có trường hợp làm giả các hồ sơ, giấy tờ để giao dịch với ngân hàng; lấy thông tin cá nhân của khách hàng, tiếp cận lấy tiền qua internet banking; tấn công lấy thông tin khách hàng để mua bán, đòi tiền chuộc; dùng giấy tờ giả để mạo danh lừa đảo…

Trước tình hình trên, năm 2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành một Chỉ thị riêng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay; đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có Chỉ thị số 02/CT-NHNN đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, trong đó tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, sẽ tiếp tục rà soát, kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý. Ban hành Hướng dẫn xử lý khủng hoảng khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng để nâng cao năng lực chung của toàn ngành về khả năng ứng phó, sẵn sàng xử lý các sự cố an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin. Đồng thời, hàng năm, sẽ tổ chức 1-2 đợt diễn tập, cuộc thi về điều tra, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin để nâng cao năng lực, trình độ và kinh nghiệm xử lý sự cố an toàn thông tin cho các đơn vị trong ngành.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp với Bộ công an, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin truyền thông đưa ra các tình huống để có biện pháp ứng phó, kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phần mềm phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng. Trong thời gian vừa qua, với sự tham gia của các bộ, ngành, tình trạng này đã suy giảm đáng kể.

Tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn tỉnh Hà Nam) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá tình trạng vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước so với thực tế như thế nào, cần có giải pháp gì để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng này?

Đại biểu  Quốc hội Phạm Hùng Thắng (đoàn tỉnh Hà Nam) 
Đại biểu  Quốc hội Phạm Hùng Thắng (đoàn tỉnh Hà Nam) 

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng cũng băn khoăn, tại sao chỉ đề xuất kéo dài mà không sửa đổi Nghị quyết 42 của Quốc hội để giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai. Nếu chỉ kéo dài, không sửa đổi thì đại biểu đề nghị cần có giải pháp gì để giải quyết các khó khăn, vướng mắc?

Đối với tình trạng vốn của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mức vốn tiềm lực tài chính của các tổ chức tín dụng trong nước nói chung, của 4 ngân hàng thương mại nhà nước nói riêng còn thấp so với các nước trong khu vực.

Trong thời gian qua, vấn đề này nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có nội dung cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ. Với 3 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối thì dùng từ nguồn lợi nhuận để lại của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Nghị quyết này rất có hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng. Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, nên Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội kéo dài toàn bộ, trong thời gian Nghị quyết ra hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, các ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.