70 năm giải phóng Thủ đô

Ngăn chặn tai nạn giao thông: Phải xây được thành trì ý thức

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả nước đã bước vào cao điểm Tết và Lễ hội Xuân 2021 - giai đoạn mà nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT) thường cao nhất trong năm. Từ Chính phủ cho đến các bộ, ngành, địa phương đều vào cuộc tích cực, quyết liệt với nhiều biện pháp nhằm đảm bảo trật tự, ATGT. Nhưng muốn ngăn ngừa TNGT, người dân cần chung tay, dựng lên một thành trì bền chắc bằng ý thức của mỗi người.

Một vụ TNGT xảy ra trên đường Vành đai 3 Hà Nội. Ảnh: Việt Cường
Canh cánh nỗi lo
Dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân hàng năm luôn được xếp vào nhóm cao điểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra ùn tắc và TNGT. Đại diện Ban ATGT TP Hà Nội lý giải, vào dịp cuối năm, nhu cầu đi lại, kể cả nội tỉnh lẫn liên tỉnh của người dân luôn tăng cao đột biến. Bên cạnh đó, Tết đến Xuân về cũng là dịp để người dân chúc tụng nhau, dẫn đến sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho chính mình và cộng đồng.

Bởi vậy, mỗi dịp cao điểm Tết, các lực lượng chức năng lại tăng cường tối đa nhân lực, bám đường, tuần tra kiểm soát nhằm giải toả ùn tắc, cũng như xử lý nghiêm các vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Tuy nhiên, chỉ có sự nỗ lực của lực lượng chức năng thôi chưa đủ. Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan nhận định: “Không có biện pháp nào hữu hiệu bằng sự tự giác của chính người dân. Mỗi người dân khi tham gia giao thông chấp hành luật lệ, hướng dẫn, chỉ dẫn của CSGT là sẽ giảm thiểu được ùn tắc cũng như nguy cơ xảy ra TNGT”.

Con số thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 94.024 vụ TNGT, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. Đây là một con số đáng báo động dù Chính phủ, Ủy ban ATGT quốc gia và các tỉnh, TP đã tập trung tối đa nhân lực, vật lực cho công tác đảm bảo trật tự, ATGT. Bên cạnh đó, một con số khác cũng khiến tất cả chúng ta phải nhìn lại, đó là từ năm 2016 đến nay, lực lượng CSGT đã lập biên bản xử lý gần 21 triệu trường hợp vi phạm luật giao thông, phạt tiền trên 14.000 tỷ đồng, tước gần 2 triệu giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ trên 3 triệu phương tiện. “Vi phạm giao thông còn nhiều đến mức đáng sợ như vậy chứng tỏ văn hóa giao thông, ý thức của bộ phận không nhỏ người dân khi tham giao giao thông còn quá thấp” - thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhấn mạnh.

Tự bảo vệ bản thân và gia đình

Những con số nêu trên cho thấy, lực lượng chức năng đã quyết liệt hơn trong xử lý vi phạm giao thông mà hiệu quả thiết thực là TNGT đã giảm đều từ 5 - 10% qua mỗi năm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Nhưng muốn TNGT giảm sâu hơn, giải pháp quan trọng nhất chính là người dân tự nâng cao ý thức của chính mình. Thạc sĩ Đỗ Cao Phan cho rằng: “Thành trì chắc chắn nhất, hiệu quả nhất ngăn ngừa TNGT là ý thức của người dân. Ý thức của mỗi người như một viên gạch, càng nhiều gạch càng xây dựng được bức tường thành chắc chắn, kiên cố. Chúng ta cần bức tường thành đó để trước tiên là tự bảo vệ bản thân và gia đình trước nguy cơ TNGT”.

Nhiều năm qua, Chính phủ và các địa phương đã chi không ít kinh phí cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, xây dựng văn hóa giao thông. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc giáo dục, tuyên truyền đã được làm khá tốt, từ trẻ nhỏ cho đến người lớn đều được tiếp cận với các quy định về trật tự, ATGT. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác tuyên truyền chưa được như kỳ vọng, bởi thói quen coi thường luật, thiếu ý thức khi tham gia giao thông còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân.

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, áp lực và nguy cơ từ ùn tắc, TNGT lại dồn ép cả người dân lẫn cơ quan chức năng. Nếu không tự nâng cao ý thức, chỉ biết phó mặc và đổ lỗi cho cơ quan chức năng, “bóng ma” TNGT sẽ còn trở đi trở lại, ám ảnh mỗi người dân trên mọi nẻo đường Tết.
Nhiều năm qua, tình trạng “xin - cho”, lơ là trong xử lý vi phạm giao thông đã dẫn đến các hiện tượng “nhờn luật”, coi thường luật của nhiều người dân. Tuyên truyền bao nhiêu đi nữa mà người dân không biết sợ thì cũng không đạt hiệu quả tích cực.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng