70 năm giải phóng Thủ đô

Ngân hàng, bất động sản tiếp tục ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tháng 9/2019, nhóm ngân hàng và bất động sản vẫn là quán quân trong phát hành trái phiếu DN. Những cái tên quen và lạ của hai nhóm ngành này như BIDV, Agribank; VIB; HDBank; OCB; SeABank, LienVietPostbank, ACB; SHB, Phú Mỹ Hưng, Nova Tân Gia Phát, Sunshine Marina Nha Trang…tiếp tục “in giấy vay tiền” hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

Gần 76.000 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng
Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, trong tháng 9/2019 có 25.516 tỷ đồng trái phiếu DN được phát hành mới trong đó có tới 21.071 tỷ đồng (tương đương 82,6%) là trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành. Những ngân hàng phát hành nhiều nhất trong tháng 9 là TCB, CTG, BID, ACB, OCB…
 Trong tháng 9/2019, các ngân hàng đã phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu DN phát hành là 155.306 tỷ đồng (số liệu không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do HNX không công bố) thì ngân hàng thương mại chiếm hơn 75.936 tỷ đồng (49%). Đứng sau là các DN bất động sản (47.372 tỷ đồng - chiếm 26,4%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, công ty chứng khoán và các DN khác.
Theo SSI, tháng 9 là tháng phát hành nhiều nhất của các ngân hàng thương mại tính từ đầu năm đến nay. Lãi suất phát hành bình quân của trái phiếu ngân hàng trong tháng 8 và tháng 9 là 7,1% và 7,0% - cao hơn so với các tháng trước đó chủ yếu là do các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hơn.
Cụ thể, thay vì chỉ phát hành trái phiếu 2 - 3 năm như các tháng trước, trong tháng 8 và 9/2019, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 7 năm và 10 năm. Các ngân hàng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhiều nhất là Vietinbank, BIDV, Seabank.
Còn báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) điểm danh một loạt ngân hàng đã phát hành một lượng trái phiếu khủng. Cụ thể, BIDV phát hành 2 đợt trái phiếu, mỗi đợt 500 tỷ đồng và 2.499 tỷ đồng; Agribank phát hành 4.998 tỷ đồng; VIB phát hành 500 tỷ đồng; LienVietPostBank phát hành 200 tỷ đồng; HDBank phát hành 900 tỷ đồng và 12 tỷ đồng; OCB phát hành các đợt huy động 200 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng, 500 tỷ đồng; SeABank huy động 266 tỷ đồng và 243 tỷ đồng; ACB phát hành trái phiếu 2 đợt, mỗi đợt 1.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng; SHB phát hành 950 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.
Trái phiếu của Phú Mỹ Hưng “ế” hơn một nửa
Ngược lại với trái phiếu ngân hàng, lãi suất bình quân trong tháng 9 của trái phiếu bất động sản lại giảm mạnh xuống 8,1%. Tuy nhiên, lượng phát hành trong tháng chỉ là 1.797 tỷ đồng (thuộc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Nova Tân Gia Phát, Công ty CP Quản lý và Phát triển Gia Khánh và Công ty CP Sunshine Marina Nha Trang).
Trừ lô trái phiếu 460 tỷ của Gia Khánh có lãi suất thả nổi với kỳ đầu là 10,5%/năm, các trái phiếu còn lại đều có lãi suất khá thấp, đặc biệt là 2 lô của Nova Tân Gia Phát chỉ có lãi suất 6%/năm và được các cá nhân trong nước mua toàn bộ. Trong danh sách phát hành trái phiếu tháng 9 còn có sự xuất hiện của Công ty CP Tập đoàn Masan phát hành trái phiếu huy động 1.500 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, chỉ có khoảng 62% lượng chào bán được mua, hầu hết lô phát hành đều dư khá nhiều. Đặc biệt, dư nhiều nhất là trái phiếu của Phú Mỹ Hưng khi chỉ phát hành được 800 tỷ đồng trên tổng cộng 1.700 tỷ đồng chào bán, bên mua 100% là các nhà đầu tư nước ngoài