Ngân hàng có bảo vệ được đà tăng lợi nhuận?

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo tài chính hợp nhất cuối quý III/2019, hàng loạt ngân hàng đã công bố lợi nhuận khủng. Liệu các ngân hàng có bảo vệ được đà tăng và thành quả lợi nhuận 3 quý đầu năm trong quý IV còn lại?

Đặt ra câu hỏi, bởi quý IV/2018, một số ngân hàng rơi vào tình trạng lỗ nên lợi nhuận tính đến cuối năm 2018 bị giật lùi so với con số công bố lũy kế 3 quý đầu năm, như: Vietinbank, Saigonbank, Eximbank. Trong đó nặng nhất là Vietinbank.
Báo cáo tài chính hợp nhất 30/9/2018 Vietinbank công bố lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng là 7.596 tỷ đồng, đứng thứ ba sau Vietcombank (11.683 tỷ đồng) và Techcombank (7.774 tỷ đồng). Tuy nhiên, kết thúc niên độ 2018 Vietinbank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 6.730 tỷ đồng, sụt giảm 1.044 tỷ đồng. Tại sao như vậy?
 Giao dịch tại Chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu Vietinbank phải giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng. Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng thời điểm 30/9/2018 đạt 882.446 tỷ đồng nhưng tới 31/12/2018 giảm còn 864.926 tỷ đồng. Hệ quả thu nhập lãi quý IV/2018 chỉ tăng 13.348 tỷ đồng trong khi chi phí lãi tăng đột biến lên đến 18.275 tỷ đồng.
Thời gian kết thúc niên độ 2019 chỉ còn tính bằng đơn vị ngày (50 ngày) liệu các ngân hàng có tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận và bảo vệ được thành quả 9 tháng đầu năm?
Tại sao lợi nhuận tăng mạnh?
Bức tranh toàn cảnh lợi nhuận của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2019 dường như gần nguyên khối có gam màu sáng, gần 89% số ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2018. Trong đó có 30% số ngân hàng có mức tăng trưởng trên 50%; đặc biệt lợi nhuận trước thuế của MSB tăng đến 266,9%.
Chỉ có 3 ngân hàng lợi nhuận trước thuế giảm.Trong đó 2 ngân hàng có mức giảm nhẹ là BIDV (3,2%), Eximbank (3%). Riêng Vietcapital Bank đạt kết quả lợi nhuận trước thuế tệ nhất, sụt 41,3% so với cùng kỳ năm 2018. Chính đây là ngân hàng đang có lãi suất huy động tiền gửi với mức cao nhất thị trường.
Không chỉ so với 9 tháng cùng kỳ năm 2018, mà so với 9 tháng cùng kỳ của nhiều năm trước đó, các ngân hàng mới có một mùa bội thu lợi nhuận như vậy. Điều này bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, về các yếu tố kinh tế vĩ mô, so với dự báo đầu năm, diễn biến thực tế là khá tích cực. Tăng trưởng kinh tế dự báo đạt mục tiêu và được tiếp sức bởi sự ổn định của các chỉ số lạm phát, tỷ giá, lãi suất, nên ngân hàng hội đủ môi trường hoạt động kinh doanh thuận lợi.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến lúc căng thẳng, lúc tạm lắng đã tác động đến thương mại, đầu tư, tiền tệ trên toàn cầu nhưng dường như tác động chưa đáng kể với nước ta. Điểm nổi bật hoạt động ngân hàng từ đầu năm tới nay là khả năng thanh khoản duy trì tốt nhờ tác động tích cực từ sự ổn định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Thứ hai, xác định lợi nhuận từ thu nhập lãi thuần vẫn là chủ đạo nên các ngân hàng đẩy mạnh mảng hoạt động tín dụng. Dư nợ cho vay khách hàng hầu hết các ngân hàng đều đã tăng trưởng đạt và vượt 11 - 13% so với đầu năm.
Một số ngân hàng tăng trưởng trên 15% như TPBank (20,4%), VIB (28,2%), TCB (28,4%), SHB (16,5%). Nhờ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nên nhóm ngân hàng này mức lợi nhuận trước thuế tăng mạnh: 49% (TPBank), 69,5% (VIB), 14% (TCB), 54,3% (SHB).
Thứ ba, các ngân hàng đều phát huy thế mạnh riêng như phát triển ngân hàng bán lẻ, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, nghiệp vụ ngoại hối, đầu tư chứng khoán kinh doanh, tín dụng tiêu dùng và hoạt động khác liên quan để đa dạng hóa thu nhập thuần.
Nổi bật về đa dạng hóa thu nhập thuần là Vietcombank, trong tổng số lợi nhuận trước thuế 17.612 tỷ đồng của nhà băng này có sự đóng góp từ mảng dịch vụ 19,4%, kinh doanh ngoại hối 14,4% và từ hoạt động khác là 16%.
Tiếp đến là Vietinbank, mảng dịch vụ và ngoại hối đóng góp 50% lợi nhuận trước thuế. Đặc biệt, đối với Sacombank có thu nhập thuần ngoài lãi thuần là 3.449 tỷ đồng lớn hơn lợi nhuận trước thuế 958 tỷ đồng (do phải trích lập dự phòng).
Thứ tư, nếu HDBank xây dựng lợi thế tạo lợi nhuận từ phát triển ngân hàng bán lẻ, VPBank từ phát triển tín dụng tiêu dùng, thì đối với các ngân hàng cổ phần nhà nước (tính cả Agribank) có lợi thế sẵn là thị phần huy động vốn chi phí rẻ. Hiện nguồn vốn tiền gửi thanh toán của các DN Nhà nước và DN lớn chủ yếu trên tài khoản tại các ngân hàng này.
Chẳng hạn, Vietcombank chỉ chi trả lãi 1.205 tỷ đồng cho số dư 74.582 tỷ đồng tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước duy trì từ đầu năm tới 30/9/2019. Nếu tính ra lãi suất tiền gửi chỉ khoảng 1,08%/năm (1205 : 74582) : 9 x 12) Đây là cơ hội góp phần tạo lợi nhuận khủng cho Vietcombank.
Nói chung mỗi nhà băng đều có lợi thế nhất định và sự nỗ lực riêng. Tuy nhiên, họ có duy trì được đà tăng và bảo vệ được thành quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm hay không mới là vấn đề đáng quan tâm.
Cản trở duy trì đà tăng trưởng
Thứ nhất, rom tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là rào cản đầu tiên đối với một số ngân hàng vì dư nợ cho vay đã vượt xa mức rom bình quân khoảng 14 - 15% theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Không tăng được dư nợ cũng đồng nghĩa nguy cơ lợi nhuận giật lùi.
Về lý thuyết, còn 3 ngân hàng rom còn rộng vì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 9 tháng còn thấp như Vietinbank(3,9%), Eximbank(3,2%) và BIDV(8,5%). Tuy nhiên cả nhóm ngân hàng này đều có nguy cơ chi phí dự phòng tín dụng kéo lợi nhuận tụt lùi. Hiện tổng nợ xấu của BIDV ở mức 22.436 tỷ đồng, Eximbank là 1.832 tỷ đồng và Vietinbank là 14.065 tỷ đồng.
Thứ hai, bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước thì chi phí dự phòng cũng tăng mạnh. Điều này cho thấy xu hướng nợ xấu của các ngân hàng tăng lên. Nguy cơ nợ xấu không những bào mòn lợi nhuận ngân hàng hiện tại mà còn tương lai vì tăng trưởng tín dụng sẽ khó khăn hơn.
Thứ ba, xu hướng biên độ thu nhập lãi thuần đang co lại, thắt giảm mức lợi nhuận hàng năm của ngân hàng. Do nhu cầu phát hành trái phiếu cả DN và ngân hàng tăng mạnh, cùng với đó nhóm ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động tiền gửi đang làm cho mặt bằng lãi suất trở thành cạnh tranh.
Lãi suất cho vay chỉ có thể giảm chứ không thể tăng. Đó không đơn thuần là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ mà đang phù hợp với xu thế mặt bằng lãi suất thị trường thế giới. Trong khi mặt bằng lãi suất huy động đang buộc các ngân hàng chấp nhận cạnh tranh. Có nghĩa là biên độ thu nhập lãi thuần sẽ giảm. Tức mức lợi nhuận ngân hàng giảm.
Thứ ba, do ngân hàng tính mức trích chưa đủ hoặc chờ cuối năm mới trích nên chi phí dự phòng sẽ tăng mạnh trong quý IV/2019 làm sụt giảm lợi nhuận cả năm tại một số ngân hàng là đã trông thấy. Chẳng hạn nợ có khả năng mất vốn tới 30/9/2019 của Eximbank là 802 tỷ đồng nhưng ngân hàng mới trích lập dự phòng 99 tỷ đồng.
Thứ tư, từ 1/11/219 Thông tư 58/2019/TT-BTC có hiệu lực, theo đó cuối mỗi ngày Kho bạc Nhà nước sẽ chuyển hết số dư trên tài khoản thanh toán tại các ngân hàng về tài khoản tiền gửi thanh toán tổng hợp duy nhất mở tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Việc này sẽ làm cho một số ngân hàng sụt giảm lợi nhuận do bị cắt nguồn tiền gửi chi phí rẻ lâu nay họ duy trì.

Mỗi nhà băng đều có lợi thế nhất định và sự nỗ lực riêng. Tuy nhiên, họ có duy trì được đà tăng và bảo vệ được thành quả lợi nhuận 9 tháng đầu năm hay không mới là vấn đề đáng quan tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần