"Tôi thèm cảm giác trước đây. Người gửi tiền bước vào ngân hàng có cảm giác vào một tổ chức chặt chẽ, đàng hoàng, không phải nói dối, không phải thì thầm" - đó là tâm sự rất thật của bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank). Dù không có sự chuẩn bị để phát biểu nhưng những đề xuất, kiến nghị mà vị lãnh đạo của một ngân hàng có thâm niên hơn 18 năm, tham gia vào thị trường ngân hàng TMCP ngay từ những ngày đầu còn chập chững đưa ra đã khiến không ít người phải ngậm ngùi.
Bà Nga cho rằng, chính bản thân bà cũng có rất nhiều tâm trạng lẫn lộn và trái ngược nhau. "Nhiều khách hàng của chúng tôi đã được nhân viên các ngân hàng khác tìm đến tận nhà mời mọc trả lãi suất 20% bằng tiền túi của chính nhân viên. Còn SeABank, chỉ mới đây mới bắt đầu triển khai một chương trình khuyến mại. Chuyện ngân hàng nào trả lãi cao hơn, chèo kéo khách hàng, chúng tôi đều biết nhưng chúng tôi không có "văn hóa tố cáo""- bà Nga nêu lên một sự thật đáng buồn. "Nói như vậy không phải vì chúng tôi dư dật tiền. Chúng tôi đã phải bán dần, thậm chí chấp nhận bán lỗ số trái phiếu Chính phủ mà ngân hàng có, thay vì nhận tái cấp vốn từ NHNN vì chúng tôi rất sợ vào "sổ đen"- bà Nga nói thêm.
Câu chuyện đoàn kết của những người "cùng hội cùng thuyền" trong giới ngân hàng cũng là điều được chính những người trong cuộc phản ánh với không ít xót xa. "Rủi ro kỳ hạn là một trong những rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiên nay. Kỳ hạn huy động bình quân có xu hướng giảm xuống (1 - 2 tháng) trong khi kỳ hạn cho vay bình quân dài. Thế nhưng, nhiều ngân hàng bí quá, vẫn đưa ra những sản phẩm huy động cực ngắn như một tuần, thậm chí một ngày… Chính chúng ta đang hại chúng ta"- ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết.
Trên thị trường liên ngân hàng, tồn tại thực trạng khó khăn của ngân hàng này là lợi nhuận của ngân hàng kia. Ngược lại, cũng có tình trạng ngân hàng có tiền để cho vay liên ngân hàng nhưng không dám cho vay vì nhiều ngân hàng đi vay có tiền mà đến hạn vẫn không trả.
Gánh nặng dồn vai ngân hàng
Không phủ nhận vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ trong kiềm chế lạm phát, nhưng một số lãnh đạo ngân hàng thương mại lại cho rằng, có vẻ như gánh nặng hạ lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô dường như đang dồn hết lên vai tiền tệ mà đối tượng phải chịu nhiều ảnh hưởng nhất là các ngân hàng thương mại.
"Tại sao lạm phát lại đổ hết lỗi lên đầu ngân hàng"- ông Phạm Xuân Hòe, Giám đốc Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) - Chi nhánh Thăng Long đặt câu hỏi. Theo ông Hòe, nguyên nhân căn bản của lạm phát là ở cơ cấu nền kinh tế. "Sự luẩn quẩn của vòng bù lỗ giữa các doanh nghiệp với nhau, ngành than bán rẻ cho ngành điện, điện bù lỗ cho thép… cũng khiến chi phí đẩy tăng lên. Hơn nữa, thời gian gần đây, các quyết định tăng giá các mặt hàng thiết yếu như than, điện… diễn ra cùng lúc cũng sẽ đẩy chỉ số giá lên cao. Bởi vậy, có thể dự đoán chính sách tiền tệ lại tiếp tục được thắt chặt. Ngân hàng thương mại lại tiếp tục khó khăn"- ông Hòe nhận định.
Vị lãnh đạo Vietinbank kiến nghị: "NHNN trong các cuộc họp Chính phủ cần lên tiếng mạnh mẽ về sự phối hợp các chính sách tiền tệ và tài khóa. Lộ trình chính sách ban hành ra cũng cần có độ giãn. Nếu gấp gáp dồn dập quá, khó khăn lại đổ lên vai ngân hàng".
Năm 2012 - ngân hàng vẫn khó khăn
Hầu hết lãnh đạo ngân hàng đều thừa nhận, năm 2012 hệ thống ngân hàng sẽ còn gặp khó gấp bội lần so năm 2011.
Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Nội cho biết, cơ cấu khách hàng của BIDV chủ yếu là lĩnh vực xây lắp và giao thông vận tải. Năm 2012, hai lĩnh vực này sẽ khó mà khởi sắc. Bởi vậy mà cả huy động và cho vay sẽ vẫn là một bài toán khó với BIDV Hà Nôi nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung năm nay.
Đa số các ngân hàng đều cho rằng, năm 2012, họ chỉ đặt vấn đề thu hồi nợ cũ chứ không mong gì đến phát triển tín dụng. "Chúng tôi không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng trong năm 2012. Dù khó khăn nhưng chúng tôi cũng đặt mục tiêu tăng cường phát triển dịch vụ"- bà Nguyễn Thị An Bình, Phó Giám đốc Ngân hàng Quân đội cho biết.
Số liệu từ NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến 31/12/2011, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng Hà Nội đạt 808.290 tỷ đồng, tăng 1,65% so với cuối năm 2010. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng Hà Nội đạt 573.800 tỷ đồng, tăng 12,52% so cuối năm 2010, bằng 30 - 35% tốc độ tăng của hai năm 2009 và 2010 do thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. |