Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng lỡ hẹn chào sàn

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù kế hoạch chào sàn chứng khoán đang được một số ngân hàng ráo riết chuẩn bị, song đến thời điểm này, nhiều cái tên như HDBank, TPBank, OCB, ABBank… nhiều khả năng sẽ tiếp tục lỡ hẹn năm 2017.

Cấp tập chuẩn bị vẫn lỡ hẹn
Những tuần cuối năm 2017, nhiều động thái để đẩy nhanh tiến độ chào sàn đã được các ngân hàng cấp tập triển khai. Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo chấp thuận bảo lưu mã chứng khoán HDB cho Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank). Thời gian bảo lưu là 6 tháng kể từ ngày 27/11/2017.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TPBank) cũng thông báo chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản nhằm thông qua kế hoạch đăng ký niêm yết cổ phiếu TPBank theo quy định. Động thái xin ý kiến cổ đông nhằm thông qua việc niêm yết cho thấy TPBank đang từng bước đẩy nhanh tiến độ lên sàn.

Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh HDBank Hà Nội.  Ảnh:  Thanh Hải

Nếu kịp hoàn tất việc niêm yết, HDBank, TPBank sẽ “xếp hàng” sau VPBank trong lộ trình chào sàn chứng khoán. Như vậy, trong năm 2017, VPBank là ngân hàng duy nhất niêm yết, nâng số ngân hàng niêm yết đến thời điểm hiện tại là 10. Cũng trong năm 2017, sàn UPCoM, thị trường đã chứng kiến những làn sóng đổ bộ của VIB, KienLongBank và LienVietPostBank. Dù nỗ lực, nhưng số lượng các ngân hàng “ra sáng” vẫn rất khiêm tốn.
Với khối ngân hàng lên sàn trong năm 2017, ngoại trừ cổ phiếu KienLongBank (Mã CK:KLB) vẫn lẹt đẹt dưới mệnh giá, VPBank, LPB và VIB đều giữ phong độ ổn định hoặc tăng mạnh về giá. Niêm yết trên HOSE với giá 39.000 đồng, những phiên đầu, cổ phiếu VPB luôn tím sàn. Qua một quý gần nhất, VPB vẫn giữ phong độ tăng giá ổn định với mức tăng 3,21%. Với LienVietPostBank, lên UPCoM từ tháng 10/2017, đến nay cổ phiếu LPB có mức sinh lời khá ổn với mức tăng 27,39%. “Mục tiêu đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM là nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư trong giao dịch, tăng cường minh bạch trong hoạt động, cũng như mở đầu cho những kế hoạch mới của LienVietPostBank tới đây”- Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng cho hay.
Chờ đến bao giờ?
Chủ trương thúc đẩy các ngân hàng lên sàn nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động đã được Chính phủ đưa ra trong nhiều năm trở lại đây. Ngoài ra, tại đại hội cổ đông 2017 của các ngân hàng, các cổ đông đều đề xuất đưa cổ phiếu ngân hàng lên sàn để tăng thanh khoản. Trước sức ép của cổ đông, HĐQT các ngân hàng đều hứa sẽ đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, những ngày cuối năm 2017, kế hoạch lên sàn vẫn chỉ nằm ở lời hứa. Lý do chờ thời điểm thích hợp, thị trường “sáng” hơn và muốn ngân hàng ổn định hoạt động kinh doanh trước khi lên sàn vẫn là nguyên nhân cũ được đưa ra.
Tại TPBank, kế hoạch niêm yết đã được Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú đề cập đến tại đại hội cổ đông năm 2017. Đến cuối tháng 2, TPBank đã xóa được lỗ lũy kế và đáp ứng điều kiện cần để lên sàn. TPBank cũng dự kiến sẽ lên sàn trong năm 2017. Tuy nhiên, đến nay, việc niêm yết của TPBank vẫn chưa có một lời hẹn cụ thể nào. Cũng tại đại hội cổ đông năm 2017, cổ đông của HDBank đã ngỏ ý muốn HĐQT ngân hàng đưa cổ phiếu HDBank lên sàn. Tại thời điểm đó, lãnh đạo HDBank cho hay, chuyện niêm yết cổ phiếu cần lựa chọn thời điểm “tối đa hóa giá trị cho cổ đông”. Thực tế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu đưa cổ phiếu lên sàn, tối ưu hóa lợi ích cổ đông như OCB, ABBank… Song đến nay, những cái tên này vẫn “án binh bất động”.
Theo các chuyên gia, do yêu cầu minh bạch theo các chuẩn mới, trong đó có việc thực hiện các cam kết theo Basel II, các ngân hàng sẽ phải đẩy nhanh quá trình niêm yết. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… hiện đang triển khai nhiều quy định “thúc” các DN lên sàn. Nếu không muốn đối diện với các án phạt, các ngân hàng buộc phải sớm lên sàn. Vì thế, thời gian tới, không còn lý do để trì hoãn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngân hàng xuất hiện trên sàn chứng khoán.