Ngân hàng ngậm ngùi thua lỗ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ lớn, nợ xấu tăng cao, kinh doanh vàng thua lỗ… Đó là bức tranh ảm đạm của ngành ngân hàng năm 2012. Năm 2013, theo nhiều dự báo, lợi nhuận ngành này cũng chưa thể "sáng" hơn.

Lợi nhuận sụt giảm

Báo cáo tài chính năm 2012 vừa được nhiều ngân hàng lần lượt công bố. Theo đó, con số lợi nhuận quý IV cũng như tổng lợi nhuận năm 2012 thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu mà các ngân hàng này đặt ra từ đầu năm.

Theo báo cáo tài chính năm 2012, mức lỗ sau thuế của Ngân hàng Á Châu (ACB) trong quý IV/2012 là 158,6 tỷ đồng. Cả năm, ngân hàng này chỉ đạt 928,4 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó, hầu hết các khoản thu đều giảm. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng của ACB lỗ 1.863 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB cho biết, khủng hoảng chung của nền kinh tế khiến khách hàng gặp khó khăn nên nguồn thu từ các khoản vay của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc trích lập dự phòng tăng do tình trạng nợ xấu còn cao và những sự cố "vạ lây" vì "bầu Kiên" cùng một số lãnh đạo chủ chốt bị bắt cũng khiến ngân hàng không thể đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Ngân hàng ngậm ngùi thua lỗ - Ảnh 1

Năm 2013, ngành ngân hàng có 2 nhiệm vụ lớn là cơ cấu lại những ngân hàng yếu kém và xử lý được nợ xấu. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại chi nhánh SHB. Ảnh: Hải Linh

 Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), tính cả năm 2012 SHB lỗ trước thuế 94,88 tỷ đồng và lỗ sau thuế là 95,46 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của SHB đảo chiều là do ngân hàng này phải gánh thêm nhiều chi phí hoạt động, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Nhìn vào kết quả kinh doanh mà các ngân hàng vừa công bố có thể thấy, đa số ngân hàng đều giảm lãi, có nơi giảm 60 - 70% như ACB hay Sacombank, Techcombank. Thậm chí, có đơn vị chuyển từ lãi gần ngàn tỷ sang lỗ gần 100 tỷ như SHB...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng giảm hơn 50% so với năm 2011. "Thay vì những năm trước các ngân hàng báo cáo lợi nhuận khủng thì lợi nhuận toàn ngành năm 2012 đã giảm mạnh do các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro. Lợi nhuận sụt giảm đương nhiên phải buồn nhưng bên trong nó lại tiềm ẩn một niềm vui vì hoạt động ngân hàng đã về giá trị thật"- Thống đốc nói.

Dè dặt chỉ tiêu lợi nhuận 2013

Cũng theo người đứng đầu NHNN, năm nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta nói chung và hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng. Với tình hình trên, các ngân hàng sẽ khá dè dặt trong đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2013. TS Vũ Đình Ánh chỉ ra rằng, năm 2013 có 2 nhiệm vụ lớn đối với ngành ngân hàng, một là cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém; thứ hai, phải xử lý được nợ xấu. Đồng tình với ý kiến này, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, hiện nay, ngành ngân hàng còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết nhưng trong năm 2013 sẽ tập trung xử lý các điểm nghẽn này và sẽ không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho biết, mục tiêu năm 2013 của ngân hàng sẽ không quá cao, trong đó, tăng trưởng huy động dự kiến đạt 20 - 30%, tăng trưởng tín dụng ước đạt 15 - 20%. Còn Eximbank xây dựng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 ở mức 3.200 tỷ đồng, tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này thừa nhận, đây là chỉ tiêu tương đối cao, đòi hỏi phải cật lực mới có thể đạt được.

"Gương mặt" dũng cảm hiếm hoi trong việc đặt mục tiêu kinh doanh năm 2013 là Sacombank. Ngân hàng này đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2013 là 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, dù năm 2012, ngân hàng này chỉ đạt 1.366 tỷ đồng.