Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất chủ chốt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ 1/4, lãi suất tái cấp vốn, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp bù trừ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng được nâng thêm 1%, lên 13%.

KTĐT - Kể từ 1/4, lãi suất tái cấp vốn, cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp bù trừ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng được nâng thêm 1%, lên 13%.

Đây là lần thứ 3 trong vòng hơn một tháng Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều chỉnh các công cụ nêu trên. Qua đó các mức lãi suất tái cấp vốn, cho vay điện tử qua đêm và cho vay bù trừ của ngân hàng trung ương đã được nâng từ 9% vào giữa tháng 2 lên 13% hiện nay.

Khác với lần điều chỉnh gần đây nhất (8/3), trong lần này, Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu cho các ngân hàng thương mại, mà vẫn giữ ở 12%. Lãi suất cơ bản, tương tự, cũng đứng ở mốc 9%.

Hiện tại ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng 5 loại lãi suất chính sách để điều hành tiền tệ (lãi suất cơ bản, tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc). Trong đó, lãi suất tái cấp vốn là lãi suất mà ngân hàng trung ương áp dụng khi tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng qua các hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. Động thái nâng lãi suất tái cấp vốn tiếp tục cho thấy tín hiệu thắt chặt tiền tệ từ ngân hàng trung ương.

Quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra khi nhiều ngân hàng phản ánh cung cầu vốn trong hệ thống đang khó khăn, lãi suất các ngân hàng vay mượn lẫn nhau tăng cao trên 15%.

Tuy nhiên, trao đổi với PV chiều nay, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định thanh khoản trên toàn hệ thống đang tốt. Thậm chí hôm qua, các ngân hàng thương mại chỉ hấp thụ một nửa số tiền Ngân hàng Nhà nước bơm ra, và lãi suất vay qua đêm cũng đã dần hạ nhiệt, xuống còn 13,5-14% một năm.

"Tăng lãi suất là một biện pháp thực hiện chiến lược điều hành tiện tệ chặt chẽ và thận trọng. Lạm phát đang cao, tăng trưởng tín dụng lẽ ra phải thấp trong những tháng đầu năm song số liệu quý I không cho thấy điều đó", nguồn tin này nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu từng tuyên bố sẽ tính tới biện pháp mạnh mẽ hơn là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nếu tăng trưởng tín dụng vẫn cao và đe dọa mục tiêu kiểm soát dưới 20%. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết biện pháp này nếu phải sử dụng cũng chỉ có thể thực hiện sớm nhất là sau 6 tháng đầu năm.

"Ngân hàng Nhà nước hiện chưa nghĩ tới giải pháp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với vốn tiền đồng, có chăng chỉ nghiên cứu với vốn ngoại tệ", nguồn tin trên nói.