Ngân hàng số thay thế mô hình truyền thống

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm trở lại đây, ngành tài chính ngân hàng ghi nhận sự phát triển vượt bậc với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào giao dịch ngân hàng. Từ chuyển tiền, thanh toán, gửi tiết kiệm, đến mua bảo hiểm… các giao dịch này hiện đều được ngân hàng tích hợp trên kênh số.

Xu thế tất yếu

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, 68% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong giai đoạn 2015 - 2021. Đồng thời, có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận của ngành ngân hàng về hoạt động chuyển đổi số...

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bản thân các tổ chức tín dụng cũng ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số, do giao dịch thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân như: Tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, đặt nhà hàng, tour du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe…

Việc chuyển mình thành ngân hàng số không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều ngân hàng đã tập trung vào số hóa để cạnh tranh và thu hút khách hàng.

Nam A Bank cho hay sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số: Robot OPBA, Open Banking và ONEBANK. HDBank đã chọn lọc định hướng chuyển đổi số phù hợp cùng chiến lược kinh doanh dài hạn với 4 đặc điểm khác biệt chính: Tập trung vào các hành trình khách hàng, tối ưu hóa quy trình vận hành, thành lập trung tâm chuyển đổi số... Trong đó nổi bật là các dự án cải thiện hành trình khách hàng tại quầy, hành trình khách hàng trực tuyến trên mobile với các công nghệ tiên tiến như eKYC, video KYC, OCR, eContract…

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) ra mắt ứng dụng NCB iziMobile, áp dụng quy trình eKYC để mở tài khoản, rút tiền bằng mã (Cash by code), đầu tư hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm khách hàng…

Đến nay, nhiều ngân hàng đã thiết kế ứng dụng cùng giao diện thông minh và thân thiện với người dùng, triển khai chương trình miễn phí mở, duy trì thẻ, mở tài khoản ngân hàng trực tuyến bằng phương pháp định danh điện tử (eKYC), đi kèm nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng... Điều này phần nào cho thấy nỗ lực của các ngân hàng số trong cuộc đua cạnh tranh năng lực, cũng như thu hút thêm khách hàng.

Cần một nền tảng dữ liệu mở

Thống kê của NHNN, hiện có tới 95% ngân hàng trong nước đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược hoặc tích hợp trong định hướng phát triển kinh doanh và công nghệ thông tin. Mới nhất, chính NHNN cũng đưa ra kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định mục tiêu hướng đến năm 2025 đảm bảo 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Anh Dũng, cho hay, từ nay đến năm 2030, NHNN đặt ra 50% - 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50 - 80% người trưởng thành sử dụng dịch vụ có tài khoản ngân hàng…

 

Theo báo cáo của BCG, doanh thu ngành ngân hàng có thể chạm mốc 27 tỷ USD vào năm 2024, với mức tăng trưởng 13% mỗi năm, kể từ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam nằm trong 15 thị trường có số người dùng smartphone cao nhất thế giới, là thị trường đầy tiềm năng cho ngân hàng số phát triển.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà nhà làm ngân hàng số, người người dùng ngân hàng số, thị trường mở rộng cũng mang lại nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng, yêu cầu của khách hàng với một ứng dụng cũng đa dạng hơn. Ngân hàng số không chỉ là một ứng dụng đơn thuần mà nó còn chứa cả một hệ sinh thái số hóa bên trong. Từ đó thúc đẩy các ngân hàng số phải nỗ lực đổi mới hơn bao giờ hết trong cuộc đua sôi động và đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội này.

Tổng giám đốc MBBank Lưu Trung Thái đề xuất, các cơ quan quản lý nên cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với những nền tảng công nghệ và dữ liệu của ngành ngân hàng, đồng thời gia tăng dịch vụ, tính bảo mật, an ninh an toàn.

“Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng, đồng thời cần có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ” - ông Lưu Trung Thái nói.

Liên quan đến việc liên thông dữ liệu, các ngân hàng cho rằng, dữ liệu được kết nối, không cát cứ, chia sẻ thống nhất sẽ nâng cao hiệu quả quản lý hơn rất nhiều. Riêng với ngành ngân hàng, việc được kết nối dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hỗ trợ rất lớn giúp xác thực đúng khách hàng thông qua eKYC, đảm bảo cho giao dịch được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm, thuận tiện và đặc biệt an toàn.

Các ngân hàng cũng đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu cơ chế mở, cho phép DN hoạt động trên mọi lĩnh vực, gồm ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, ví điện tử, mobile money, viễn thông và những lĩnh vực khác của nền kinh tế được tiếp cận, xác thực với nguồn dữ liệu tin cậy từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử để giảm thiểu các rủi ro trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết cơ quan này sẽ tập trung tháo gỡ về pháp lý, xử lý khoản vay nhỏ lẻ trên nền tảng công nghệ. Đồng thời, xây dựng hạ tầng công nghệ tương xứng với tốc độ tăng trưởng của số lượng giao dịch số.

“Khi có thể làm được thì mới gọi là ngân hàng số, thanh toán số. Thêm nữa đối với vấn đề an ninh an toàn cần phải hết sức quan tâm, vì đi cùng dịch vụ số, thanh toán số là những nguy cơ xảy ra” - ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.